Giai đoạn 6 tháng tuổi trở đi, nhu cầu dinh dưỡng của bé tăng lên rất cao, mẹ cần cho bé ăn những món ăn mới ngoài sữa mẹ để tăng cường vi dưỡng chất và năng lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của bé. Cháo dinh dưỡng là một trong những món ăn gần gũi nhất trong những năm tháng đầu đời của bé, vì vậy các mẹ cần biết cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé thế nào để đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh và thơm ngon, kích thích vị giác cho bé.
1. Các bí quyết để giúp bé tăng cân
- Tăng cảm giác ngon miệng cho bé:
Để tăng cảm giác ngon miệng cho bé và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, mẹ nên chọn nhóm thực phẩm chứa kẽm (hải sản, thịt bò, rau lá xanh đậm, các loại hạt), nhóm thực phẩm giàu vitamin nhóm B (các loại đậu, thịt gà, gạo lứt, chuối), nhóm thực phẩm giàu lysine (lòng đỏ trứng, cá, thịt, sữa tươi, các loại đậu).
- Làm đa dạng bữa ăn của bé:
Một trong nguyên nhân làm bé chậm tăng cân là bữa ăn đơn điệu, nghèo nàn. Mẹ có thể đa dạng thức ăn của bé bằng cách kết hợp nhiều loại thức ăn với nhau và trong bữa ăn cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất béo, đạm, rau quả.
- Thêm dinh dưỡng vào khẩu phần ăn của bé như thêm phomai, bơ, dầu.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn của bé: giúp bé không có cảm giác bị ép ăn, lượng ăn một bữa ít đi làm bé nhanh đói và hấp thu dễ dàng hơn.
2. Cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé tăng cân
2.1. Cháo gà cà rốt hạt sen
Thịt gà chứa nhiều chất đạm, vitamin B. Hạt sen cung cấp một lượng canxi khá dồi dào cần thiết cho sự phát triển xương và răng, thúc đẩy tiêu hóa tốt. Cà rốt nhiều beta-carotene giúp sáng mắt.
Nguồn: anngon3mien.com
Nguyên liệu:
- 250g thịt gà,
- Hạt sen
- Cà rốt thái hạt lựu
- 1 củ hành
- Dầu ăn
- Gạo nếp
- Gạo tẻ
Cách làm:
- Gạo tẻ và gạo nếp đem vo sạch ngâm 1-2h trước khi nấu cháo, giúp cho nấu cháo nhanh chín.
- Hạt sen bỏ tim sen đem luộc chín mềm rồi vớt ra để ráo nước.
- Thịt gà luộc chín dùng tay xé nhỏ hoặc xay. Khi cháo chín cho tất cả các nguyên liệu vào nồi cháo đun đến khi chín nhừ, thấm đều vào nhau, mẹ nêm gia vị tùy theo độ tuổi của bé.
2.2. Cháo bồ câu, đậu xanh và nấm hương
Thịt chim bồ câu có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong tất cả các loại gia cầm, chứa nhiều chất béo, protein, vitamin A, B1, B2, canxi, sắt, photpho, hàm lượng cholesteron khá thấp. Thịt chim bồ câu có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tốt cho não và hệ thần kinh, cải thiện cơ bắp…
Nguồn: bocauphap.vn
Nguyên liệu:
- 1 con chim bồ câu
- 50g đậu xanh
- 50g hạt sen
- 100g gạo nếp và gạo tẻ
- 2 củ hành khô
- 2 thìa dầu oliu
- Nấm hương vài cái.
Cách làm:
- Chim bồ câu làm và rửa thật sạch, dùng dao lọc thịt chim sau đó băm nhỏ, xương chim để riêng.
- Gạo, hạt sen, đậu xanh vo và đãi cho sạch bụi bẩn và sạn. Nấm hương ngâm nước nóng cho nở rồi rửa sạch lại với nước.
- Cho gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh, hạt sen, nấm hương, xương chim vào nồi với lượng nước vừa đủ, sau đó ninh đến khi nhừ.
- Bắc chảo lên bếp, cho dầu olive vào, phi thơm hành rồi cho thịt chim vào xào thêm gia vị vừa ăn, thịt săn thì tắt bếp.
- Khi cháo ninh nhừ vớt bỏ phần xương chim thêm chút nước mắm, bột nêm dành cho bé. Hạt sen, nấm hương vớt ra xay nhỏ rồi trộn lại vào cháo, cuối cùng cho phần thịt chim vào.
2.3. Cháo lươn nấu với khoai môn và cà rốt
Thịt lươn chứa nhiều đạm, lecithin, các vitamin B1, B2, PP, K, A, E, D, canxi, sắt, có tính ôn, vị ngọt, ích khí, dưỡng huyết, bồi bổ can, thận, là một loại thuốc quý.
Nguồn: bameviet.vn
Nguyên liệu:
- 100g gạo tẻ
- 50g khoai môn
- 150g lươn
- 50g cà rốt
- 2 thìa dầu ăn cho bé.
Cách làm:
- Lươn đem rửa sạch, loại bỏ gân đỏ của lươn, hấp chín và tán nhỏ.
- Nấu gạo tẻ với khoai môn trong 45 phút sau đó cho cà rốt xắt hạt lựu vào nấu thêm 5 phút. Sau đó cho lươn đã chín vào nồi đảo đều. Nêm 2-3 giọt nước mắm hoặc bột nêm dành cho bé cho vừa ăn, thêm 2 muỗng cà phê dầu ăn trẻ em.
2.4. Cháo thịt heo nấu cùng đậu Hà Lan
Thịt heo chứa nhiều đạm, là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất phong phú, chứa hàm lượng sắt và magie cao. Đậu hà lan giàu vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa và khoáng chất, đặc biệt là canxi, magie, kali.
Nguồn: mabu.vn
Nguyên liệu:
- 100g gạo tẻ
- 100g thịt heo
- 50g đậu Hà Lan
- 2 muỗng dầu olive
Cách làm:
- Gạo tẻ nấu chín thành cháo trắng.
- Đậu Hà Lan cho vào nồi nước đun đến khi chín mềm, lấy ra nghiền nhỏ vừa ăn.
- Cho dầu olive vào chảo phi thêm hành, cho thịt heo đã băm sẵn vào xào sơ, nêm gia vị vừa đủ. Sau đó cho thịt heo vào cháo trắng, tiếp theo cho đậu Hà Lan vào, nêm gia vị vừa ăn, tắt bếp.
2.5. Cháo tôm, bông cải xanh và phô mai
Tôm là loại hải sản được yêu thích có mùi vị tươi ngon đặc trưng, chứa nhiều dưỡng chất là nguồn cung cấp protein dồi dào, giàu vitamin B12, omega 3, canxi…
Nguồn: cet.edu.vn
Nguyên liệu:
- 100g gạo tẻ
- 100g tôm tươi
- 50g bông cải xanh
- 1 viên phomai
- 2 muỗng dầu mè
- 2 củ hành, gia vị.
Cách làm:
- Gạo vo sơ ngâm 1 giờ cho thật mềm, đem nấu cháo trắng.
- Tôm đem bóc vỏ, chẻ lưng lấy chỉ đen, băm nhỏ. Bông cải cắt nhỏ.
- Làm nóng dầu mè, phi thơm hành, cho thịt tôm đã băm nhỏ vào xào chín.
- Sau khi cháo chín, cho bông cải xanh vào nấu tiếp, đến khi bông cải xanh chín thì cho thêm pho mai vào nồi cháo cùng với thịt tôm. Cho bé dùng khi còn ấm.
2.6. Cháo thịt bò bí đỏ
Thịt bò là thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng giàu protein, vitamin và khoáng chất đặc biệt là sắt và kẽm.
Bí đỏ chứa lượng lớn sắt, kẽm, chất xơ, giàu vitamin A, C giúp bảo vệ thị lực, hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng, giúp chống tiểu đường và giảm nguy cơ bệnh ung thư.
Nguồn: chaosach.com
Nguyên liệu:
- 100g gạo tẻ
- 100g thịt bò
- 100g bí đỏ
- Tỏi
- Dầu ăn.
Cách làm:
- Băm nhỏ thịt bò và tỏi, bí đỏ cắt nhỏ.
- Phi thơm tỏi với dầu ăn rồi cho thịt bò vào xào xơ với lửa nhỏ.
- Gạo tẻ và bí đỏ cho thêm nước vào ninh nhừ, sau đó cho thịt bò đã xào vào cháo, nêm gia vị vừa ăn.
2.7. Cháo dinh dưỡng cho bé – Cháo cá lóc đậu xanh nấm rơm
Cá lóc thơm ngon, thịt nạc, ít xương là loại cá sông nên an toàn với bé. Thịt cá lóc có chứa lượng lớn protid, lipid, canxi, photpho, sắt và một số dưỡng chất khác tốt cho bé trong thời kì ăn dặm.
Nguồn: nauzi.com
Nguyên liệu:
- 150g gạo tẻ
- 200g cá lóc
- 50g đậu xanh
- 50g nấm rơm
- Tỏi
- Hành
- Dầu ăn.
Cách làm:
- Đậu xanh ngâm nước 1 giờ cho mềm.
- Cá đánh vẩy, chà cá với chanh để sạch nhớt, rồi rửa lại với nước sạch và muối. Lọc lấy phi lê cá, thái thành miếng mỏng và ướp cá với một ít bột nêm và nước mắm. Xương cá cho vào nồi luộc lấy nước.
- Cho gạo và đậu xanh vào nồi nước cá, ninh cho đậu và gạo nhừ.
- Cho ít dầu, phi thơm tỏi, cho nấm vào xào, nêm gia vị sau đó đổ vào nồi cháo đã chín.
- Tiếp theo cho ít dầu vào chảo, phi thơm hành và tỏi rồi cho phi lê cá đã ướp gia vị vào xào chín.
- Múc cháo ra bát, cho cá đã xào chín lên mặt cho bé ăn khi còn ấm.
3. Những sai lầm trong cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé mẹ thường gặp
- Nấu 1 nồi cháo ăn cả ngày:
Nhiều mẹ thường tiết kiệm thời gian chế biến, nấu một nồi cháo để bé ăn cả ngày. Việc bỏ cháo vào tủ lạnh rồi nấu đi nấu lại làm các chất dinh dưỡng mất đi, món cháo không còn ngon nữa, cháo dễ bị ôi, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé.
- Dùng nước xương hầm để nấu cháo:
Việc dùng nước xương hầm để nấu cháo cho bé chỉ có tác dụng tạo vị ngọt và vị thơm, những chất đạm vẫn còn nằm trong xác thịt, nên cho bé cả xác lẫn nước để đề phòng suy dinh dưỡng vì thiếu chất.
- Không cho dầu ăn vào cháo của bé:
Việc cho dầu ăn vào cháo của bé là bắt buộc, dầu ăn giúp bé phát triển và tăng cân. Nhóm chất béo có vai trò quan trọng trong dinh dưỡng, axit béo giúp hòa tan vitamin, cung cấp năng lượng, omega 3 cho não.
Cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé tăng cân thật đơn giản phải không? Hi vọng với các công thức trên, các mẹ sẽ nấu cho bé yêu những món cháo thật ngon thật bổ dưỡng. Chúc các mẹ thành công và chúc các bé ăn no chóng lớn.