Ăn dặm truyền thống có tốt không? Nên cho con ăn dặm truyền thống hay kiểu Nhật? Đây là câu hỏi làm nhiều mẹ hoang mang khi con bước vào tuổi ăn dặm, vì thực chất mẹ chưa có nhiều thông tin về phương pháp ăn dặm này. Bài viết hôm nay sẽ giúp mẹ giải đáp về những câu hỏi trên một cách chi tiết nhất.
1. Ăn dặm truyền thống là gì?
Phương pháp ăn dặm truyền thống cho bé – Nguồn:parent guide
Đây là cách cho bé ăn dặm từ lâu đã có tại Việt Nam, thành phần thực phẩm chính là rau, thịt, một số loại củ, cá đều được xay nhuyễn hoặc trộn đều với nhau cho bé ăn. Với phương pháp ăn dặm truyền thống, trẻ sẽ được cung cấp đạm, chất béo vào giai đoạn bắt đầu ăn dặm (5-6 tháng tuổi).
Tuy nhiên, cách thức ăn dặm này có cả ưu và nhược điểm từ đánh giá của các mẹ:
Ưu điểm:
- Phương pháp này giúp bé tập ăn một số lượng lớn thức ăn ngay từ nhỏ.
- Cân nặng của bé được cải thiện rõ rệt sau một thời gian ăn dặm.
- Thời gian chế biến rất đơn giản, vì chỉ cần sử dụng máy xay.
- Bảo vệ hệ tiêu hóa của bé, do thức ăn được xay nhuyễn dễ đi xuống bao tử.
- Cách cho bé tiếp cận dinh dưỡng này được nhiều ông, bà ủng hộ, vì đúng với cách chăm ngày trước.
Nhược điểm:
- Bé có thể mất nhiều thời gian hơn mới biết sử dụng quai hàm để nhai hoặc cách nuốt thức ăn, vì thực phẩm đa phần là xay nhuyễn.
- Do là nguồn thực phẩm tổng hợp nên trẻ khó lòng mà cảm nhận được mùi vị, cũng như về dài lâu gây chán ăn, kén chọn.
Bạn nên xem: Ăn dặm kiểu Nhật là gì?
2. Thành lập chế độ ăn dặm truyền thống khoa học cho bé.
Dù mẹ chọn phương pháp ăn dặm nào cho con đi chăng nữa, thì việc lên một thời khóa biểu khoa học là điều cần thiết giúp bé phát triển nhanh hơn và không ảnh hưởng sức khỏe.
Do đó, mẹ nên tham khảo bảng kế hoạch ăn dặm truyền thống cho bé dưới đây.
Trẻ từ 6-9 tháng tuổi (có thể bắt đầu từ 5 tháng tuổi):
- 2 bữa ăn dặm mỗi ngày
- Cho bé bú sữa từ 4-5 lần
- Bổ sung hoa quả xay nhuyễn từ 1-2 lần ngày với liều lượng 15-20g/bữa
Thời khóa biểu ăn dặm truyền thống từ 9-12 tháng tuổi:
- 3 bữa ăn dặm với cháo mỗi ngày
- 4 cữ sữa cho bé
- 30-40g hoa quả xay nhuyễn 2 lần/ngày
Trẻ từ 1-2 tuổi với thực đơn ăn dặm:
- 3 bữa cơm hằng ngày
- Uống 3 ly sữa mỗi ngày
- 3 ly nước hoa quả với khoảng 40-50ml/bữa
3. Một số thực đơn ăn dặm truyền thống theo độ tuổi
Khi mẹ đã lên một lịch ăn dặm đầy đủ cho trẻ, thì việc lựa chọn món ăn và cách chế biến cũng quan trọng để con tiêu thụ hiệu quả hơn. Hãy cùng xem một số thực đơn gợi ý cho trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên dưới đây nhé.
3.1. Thực đơn ăn dặm cho bé 5-6 tháng
Thực đơn 1: Cháo bí xanh phô mai
Cháo bí xanh phô mai – Nguồn: Nauzi.com
- Nguyên liệu: 30g gạo tẻ, 30g bí xanh, 30g cà rốt, 1 ít phô mai
- Cách chế biến: Mẹ hãy nấu cháo bằng gạo tẻ, trong lúc chờ sôi lấy bí xanh, cà rốt hấp cho chín mềm rồi xay nhuyễn. Sau đó, lấy cháo và hỗn hợp dã xay trộn với nhau, thêm phô mai vào cuối cùng là có thể cho trẻ ăn.
Thực đơn 2: Cháo ếch nấu mồng tơi
Cháo ếch nấu mồng tơi – Nguồn: Youtube
- Nguyên liệu: 30g gạo tẻ, 30-40g thịt ếch xay, 30g mồng tơi thái nhỏ.
- Cách chế biến: Đầu tiên, mẹ hãy nấu cháo cho sôi, rồi tiếp tục bỏ thịt ếch đã xay vào hâm trong 5-10 phút. Cuối cùng, đổ rau mồng tơi vào nấu thêm 5 phút nữa thì tắt bếp, để nguội cho bé ăn.
3.2. Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng
Thực đơn 1: Thịt heo nấu nấm rơm với bột gạo
Bột gạo nấu với thịt heo nấm rơm – Nguồn: Andam3in1
- Nguyên liệu: 4 thìa bột gạo, 3 cây nấm rơm, 30g thịt heo nạc, 1 thìa dầu ăn, 1 chén nước lọc.
- Cách chế biến: Trước hết, mẹ nên chế biến bột gạo với nước để không bị vón cục và đun trên lửa. Trong lúc đó, mẹ hãy băm nhỏ nấm rơm, thịt heo mang đi xào chín rồi cho vào chung với nồi bột đã sôi khoảng 3 phút. Cuối cùng, mẹ múc ra chén để nguội một tí là có thể cho con ăn.
Thực đơn 2: Cháo cá cà rốt
Cháo cá nấu cà rốt – Nguồn: Mabu dinh dưỡng
- Nguyên liệu: 30g gạo tẻ, 30g cà rốt, 30g thịt cá, dầu ăn.
- Cách chế biến: Mẹ hãy nấu cháo bằng gạo tẻ cho sôi, đồng thời hấp cà rốt chín mềm để xay/nghiền nhuyễn. Tiếp đến, làm sạch và chín cá để băm thật nhỏ, rồi mang đi trộn đều với cà rốt đã chế biến cho vào nồi cháo đang sôi khoảng 2 phút thì tắt bếp. Khi đó, mẹ hãy thêm ít dầu vào và chờ nguội lấy cho con ăn nhé.
3.3. Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 9-12 tháng:
Thực đơn 1: Cơm cải bỏ xôi cá hồi
Cơm, cá hồi,cải bó xôi chiên cho bé – Nguồn: Yêu nội trợ
- Nguyên liệu: 1 chén cơm (tùy vào khả năng ăn của bé), 50g cải bó xôi, 1 lát cá hồi rán, 30g bí đỏ rán.
- Cách chế biến: Không quá cầu kỳ, mẹ hãy làm sạch nguyên liệu và chế biến từng loại một. Cá hồi và bí đỏ, cải bó xôi mẹ hãy chiên với dầu cho chín vàng, rồi lấy cho con dùng với cơm.
Thực đơn 2: Gan gà cà rốt nghiền ăn với cơm
Chế biến gan gà, cà rốt nghiền cho bé – Nguồn: Công thức ăn ngon.
- Nguyên liệu: 30g gan gà, ½ củ cà rốt, hành, 1 ít gừng
- Cách chế biến: Đầu tiên, mẹ hãy làm sạch gan gà, ngâm 1 tiếng trong nước, rồi sau đó bắc lên nồi nấu với gừng, hành lá đã chuẩn bị sẵn. Tiếp đến, mẹ hãy hấp cà rốt cho chín mềm và nghiền nát để khi gan gà đã mềm sẽ nghiền rồi trộn chung. Cuối cùng, mẹ hãy lấy cơm cho con ăn cùng hỗn hợp nhé.
4. Kết hợp ăn dặm kiểu Nhật và truyền thống được không?
Đây là sự kết hợp hoàn hảo, vì điều này còn giúp bé yêu có thể vừa đầy đủ chất dinh dưỡng, vừa có thể tập nhai, nuốt thành thạo hơn. Để phát huy hết hiệu quả, mẹ nên tham khảo những nguyên tắc kết hợp sau:
- Chế độ ăn dặm của bé: Mẹ buộc phải cho bé hấp thụ đủ các nguồn thực phẩm như tinh bột, chất xơ, đạm, chất béo để phát triển toàn diện. Chú ý hơn, vào đầu độ tuổi ăn dặm (khoảng 5 tháng tuổi), bé nên ăn bột ăn dặm đóng hộp là ổn nhất. Và lớn hơn một tí, mẹ có thể bắt đầu cho bổ sung thịt, cá, trứng, tôm,…
- Hãy tập cho con ăn riêng lẻ các món trước để phân biệt mùi vị, cũng như giúp mẹ biết sở thích ăn uống của bé nhiều hơn.
- Khi ăn dặm kiểu truyền thống hay Nhật thì không ai bắt ép phải thả rông bé chạy nhảy cả, sẽ tạo thói quen xấu là phải chạy nhảy trong lúc ăn. Thay vào đó, mẹ chỉ nên cho con ăn khoảng 30 phút, tạo không khí vui vẻ bằng cách nói chuyện, đùa giỡn với con tại chỗ.
- Nếu con có thái độ không muốn ăn hoặc gắt gỏng, thì tốt nhất mẹ nên chuyển qua cho bú sữa, không nên bắt ép.
- Trong trường hợp bé bị ốm, mẹ hãy lên lịch ăn khác với bình thường như chia nhỏ bữa ăn ra, cho con bú nhiều hơn. Thêm nữa, đừng trộn hay xay nhuyễn nhiều nguyên liệu với nhau vào giai đoạn này nhé, mà phải cho con ăn riêng lẻ để không bị nôn.
Tóm lại, phương pháp ăn dặm truyền thống cũng mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng đầy đủ và mẹ cũng có thể kết hợp với những cách thức ăn dặm khác miễn mang đến cho bé đầy đủ dinh dưỡng, hoạt chất.