Tổng hợp những tư vấn hữu ích về sữa mẹ và các vấn đề khi cho con bú.

bap
6974

Các chuyên gia Nhi khoa luôn khuyến cáo bé sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tuy nhiên, việc cho bé bú mẹ hoàn toàn cũng khá “gian nan, vất vả” với nhiều mẹ vì các mẹ có thể gặp tình trạng đầu ti to/ dẹt, tắc tia sữa, sữa ít… hoặc bé không chịu ti mẹ, khớp ngậm không đúng…

Phần tư vấn của BS Lê Ngọc Anh Thy – chuyên viên tư vấn sữa mẹ quốc tế dưới đây sẽ phần nào giúp các bà mẹ trẻ giải đáp được những thắc mắc và khó khăn khi cho em bé bú mẹ.

Hỏi: Chào bác sĩ, em sinh bé thứ 2 được 23 ngày. Bé bú khoảng 5 phút là hết sữa, do đầu vú em to, bé không ngậm hết quầng vú. Em vắt cả 2 bên vú thì được khoảng 40 đến 60 ml sữa/ lần. Em sợ như vậy tiếp tục sẽ mất sữa luôn giống lúc sinh bé đầu. Xin bác sĩ hướng dẫn giúp.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy:

Việc để bé được da kề da với mẹ ngay sau sinh và ngay khi về với mẹ, để bé tự tìm ti và tự bú sẽ giúp cho bé chủ động bú đúng khớp. Nếu mẹ có thể thực hiện được điều này, mẹ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

– Trong trường hợp bé vẫn không ti mẹ được, mẹ sẽ vắt sữa bằng tay và dùng muỗng cà phê hứng, ĐÚT THÌA cho bé. Khi sữa khá hơn thì có thể dùng máy hút sữa, nếu mẹ muốn. Tuy nhiên, vắt tay vẫn tốt nếu mẹ vắt rành và đúng kỹ thuật.

– Một ngày cần vắt 8-12 lần, nghĩa là vắt sữa mỗi 2-3 giờ, nếu bé không bú trực tiếp được bao nhiêu. Mẹ có thể đút thìa cho bé dịu cơn đói, sau đó lại cho nằm sấp lên ngực tập ti. Nếu không thành công, mẹ đút thìa cho bé no, sau đó đợi cữ sau lại tập.

– Thường thì nếu mẹ kiên nhẫn, sau vài tuần, miệng bé sẽ lớn hơn một chút và bé sẽ ngậm tốt.

Để biết bé bú hiệu quả không, mẹ cần nhận biết các dấu hiệu bú đủ như sau:

1. Tã ướt:

Ngày 1: Từ 1 cái tã ướt trở lên

Ngày 2: Từ 2 cái tã ướt trở lên

Ngày 3: Từ 3 cái tã ướt trở lên

Ngày 4: Tã ướt từ 6 lần trở lên trong 1 ngày

Ngày đầu tiên là một miếng tã ướt, và số tã ướt tăng lên dần, đến ngày thứ 4 là từ 6 cái trở lên. Nước tiểu có màu vàng nhạt và có mùi nhẹ.

2. Tã dơ:

Ngày 1: Từ 1 cái tã dơ trở lên, phân su đen dính.

Ngày 2: Từ 1 cái tã dơ trở lên, phân su/phân chuyển tiếp (màu chuyển sang màu xanh từ từ).

Ngày 3: Phân chuyển tiếp màu nhạt dần thiên về xanh.

Từ ngày thứ 4: 3 – 4 cái tã dơ trong 1 ngày.

Ngày thứ 5: Phân có màu vàng (không phân su) và độ lớn của phân trải trên tã từ 2,5 cm trở lên. Phân bình thường của trẻ bú sữa mẹ thường có màu vàng và lỏng (mềm, chảy nước, có hoa cà hoa cải).

Hỏi: Em ở Daklak nên không thể đến phòng khám của bác sĩ được, em mới sinh được 20 ngày nhưng em bị ít sữa. Em bé bú không đủ và em phải dặm thêm sữa công thức. Em hút sữa bằng tay nhưng mỗi bên chỉ ra được tí xíu thôi. Em dự định sẽ mua máy hút sữa, mong chị tư vấn.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy:

Kích sữa bằng máy hút tay sẽ thực hiện được khi mẹ thiếu ít sữa, nếu thiếu rất nhiều sữa thì hút tay sẽ mệt, kết quả không cao. Sữa mẹ sản xuất theo nhu cầu, nên càng hút nhiều thì càng nhiều sữa. Không biết bé bú trực tiếp hay hút sữa ra hoàn toàn. Nếu hút sữa hoàn toàn thì phải hút 8-12 lần/ ngày.

Nếu bé có bú mẹ, bạn có thể thực hiện như sau:

1. Kích sữa khi bé còn chịu bú mẹ

2. Ưu tiên cho bé bú mẹ tất cả các cữ

3. Bú mỗi bên ngực mẹ > 2 lượt, Ví dụ bú bên phải -> trái, sau đó lại quay về phải -> trái, cứ vài lượt như vậy.

4. Nếu bé còn đói, cho bé bú thêm sữa xin được hay sữa công thức, giảm dần và cắt hẳn lượng sữa này theo thời gian

5. Vắt sữa thêm sau mỗi cữ bú của bé, khoảng 10 phút/ bên.

6. Theo dõi dấu hiệu bú đủ (bạn có thể xem thêm các dấu hiệu bú đủ ở phần tư vấn phía trên).

Hỏi: Xin chào bác sĩ, bé nhà em khi mới sinh được bú bình nên giờ không chịu bú mẹ trực tiếp, em phải vắt sữa mẹ ra cho bé bú. Nhờ Bác sĩ tư vấn giúp em cách tập cho bé bú mẹ, đặc biệt là vào ban đêm. Cảm ơn Bác sĩ! Thân mến!

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy:

Không biết bé đã bao nhiêu tháng rồi? Vì bé càng lớn thì tập càng khó và cần nhiều kiên trì. Tập bé bú mẹ trở lại không đơn giản. Mẹ cần thực hiện các bước sau:

1. Tập cho bé quen với ti mẹ, không sợ ti mẹ. Không được ép, vì ép thì bé càng khóc, và không hợp tác. Mình cho bé nằm trên ngực mẹ mỗi ngày, mỗi ngày nhiều lần (khoảng 10 lần, mỗi lần càng lâu càng tốt). Em có thể dùng địu để địu bé trước ngực mình, mà phải là ngực trần.

Sau 1 vài tuần, từ việc ghét ti mẹ, bé sẽ chuyển qua chịu sờ ti mẹ, rồi sẽ chuyển qua liếm láp ti mẹ, rồi từ từ mới nút ti mẹ. Nếu bé vẫn chịu nút ti mẹ thì mọi việc đơn giản hơn.

2. Song song đó em phải kích sữa để sữa đủ cho bé, như vậy khi bé ti mẹ trở lại, ngực em có sữa. Nếu ngực em không có sữa, rất khó thuyết phục bé ti mẹ. Em hút sữa hoàn toàn thì sẽ hút mỗi ngày 8-12 lần (mỗi 2-3 tiếng). Nếu bé có ti mẹ thì em sẽ hút sữa sau khi bé ti mẹ cạn cả 2 bên.

3. Trong quá trình này, em không cho bú bình, mà sẽ cho bé bú sữa mẹ bằng ngón tay (dùng bộ câu sữa – em search trên youtube để xem với từ khóa: finger feeding). Cách bú mẹ bằng ngón tay giúp cho bé có cách nút giống ti mẹ, khác hoàn toàn với nút ti bình.

Quá trình này mất nhiều tuần, chứ không phải vài ngày là có thể tập được, đòi hỏi sự kiên trì của mẹ. Trên thế giới đã nghi nhận nhiều trường hợp mẹ tập ti bé trở lại được. Mẹ nên được người có chuyên môn hướng dẫn, sẽ giúp mẹ có đủ nghị lực và tinh thần để đi đường dài.

Hỏi: Cho mình hỏi mình ít sữa và sắp mất sữa thì phải làm sao. Lượng sữa vắt 6 lần/ 520ml sữa mẹ (trong ngày). Bé được 6 tháng tuổi nặng 8,3kg.

Tổng hợp những tư vấn về sữa mẹ và các vấn đề khi cho con bú mẹ

Ảnh minh họa.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Nếu sữa giảm, mình phải tăng số lần hút sữa lên 8-12 lần để kích sữa. Ngoài ra, muốn giữ đươc sữa, mẹ cần hút đúng cách. Cách hút sữa đúng:

  • Không có phương pháp nào có thể rút sữa khỏi ngực mẹ một cách hiệu quả bằng việc cho bé bú trực tiếp. Lý do: miệng, lưỡi, hàm trên, hàm dưới của bé tạo ra cơ chế kích thích đầu ti – quầng vú và tạo ra cơ chế nút, áp lực nút một cách tự nhiên mà việc dùng tay hay dùng máy không thể nào thay thế được.
  • Chìa khóa để vắt/hút sữa thành công: Kích thích phản xạ xuống sữa. Mẹ sẽ kích thích phản xạ xuống sữa bằng cách dùng chế độ massage của máy (hút nhẹ nhưng nhanh), hoặc dùng ngón tay chụm lại vê quầng vú và đầu ti. Khi phản xạ xuống sữa xảy ra, mình sẽ chuyển chế độ hút.
  • Cần kích thích xuống sữa trước khi hút và mỗi 4-5 phút trong quá trình hút sữa.

Hỏi: Chào bác sĩ! Em sinh mổ bé đã được 12 ngày. Lúc đầu bé phải bú bình và giờ em gặp vấn đề khi cho bé bú ti mẹ. Hơn nữa đầu ti của em tương đối ngắn và nhỏ so với các mẹ khác nên bé bắt được ti mẹ rất khó khăn. Bé có thể bú mẹ được nhưng mất rất nhiều thời gian để tìm ti và ngậm đúng khớp, những lúc như vậy bé thường khóc ré lên, việc này cũng gây khó khăn trong việc tìm ti.

Cho em hỏi có cách nào cải thiện tình hình này không? Bé mới bú mẹ được 1 bên, liệu như vậy sữa có kịp xuống đủ cho bé bú không? Ngoài ra, em vắt sữa mẹ ra bình và hâm trong bình hâm sữa thì sữa này có thể để được trong thời gian bao lâu? Rất cảm ơn và mong sớm nhận được trả lời của bác sĩ.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Sữa mới vắt giữ được trong ngăn mát trong vòng 3 ngày, ngăn đá tủ lạnh 1 cánh (ngăn đá thông với ngăn mát) được 2 tuần, ngăn đá tủ lạnh 2 cánh trở lên (ngăn đá riêng biệt) được 3 tháng, tủ đông chuyên dụng từ 6 -12 tháng.

Sữa khi cho bé sử dụng cần làm ấm, không được đun sôi, chỉ làm ấm đến < 40 độ. Về phần khớp ngậm, phải quan sát trực tiếp mới biết sai chỗ nào. Mẹ có thể chụp hình hay quay clip. Tuy nhiên, quan sát trực tiếp là tốt nhất, nếu có thể!

Hỏi: Chào phòng khám. Bé nhà em được 11 tuần. Bé sinh 3,5 kg, đủ tháng. Bé bú mẹ hoàn toàn. Bé 6,5 kg. Hiện tại ban ngày từ 7h sáng đến 7h tối, bé chỉ ngủ từ 2-3 h. Các giấc ngủ chập chờn chỉ khoảng 15-30 phút và cháu hay khóc ré lên khi ngủ. Khi tỉnh dậy có khi bé thức chơi cũng có khi bé cáu gắt.

Một ngày bình quân bé ngủ chỉ từ 10-12h. Bé tè ướt 3-4 bỉm. Đi ị 1-2 ngày/lần, phân vàng hoa cà hoa cải. Giấc ngủ của cháu có bình thường không ạ? Làm thế nào để mình khắc phục tình trạng giấc ngủ ngắn và chập chờn của bé. Làm thế nào để biết nhu cầu bú của bé?

Vì bé nhà em không có các biểu hiện đòi bú rõ ràng như trong tài liệu, nên em chỉ biết cho bú khi bé cáu gắt và khóc, có dấu hiệu buồn ngủ. Em xin cảm ơn!

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Quan trọng mẹ cần xem các dấu hiệu bú đủ, trong đó có màu sắc nước tiểu, nếu vàng nhạt là bú đủ lượng. Việc bé quấy, thì không biết bé mới quấy đây hay lâu rồi? Thông thường bé nào cũng có giai đoạn quấy trong ngày.

Vào thời điểm này bé bú lắt nhắt, khó chịu, hơi gắt gỏng, bú tí lại thức đòi bú. Có thể bé không đói đâu, nhưng lo lắng gì đó, tìm ti để có cảm giác an toàn mà thôi. Hầu như bé nào cũng sẽ có 1 vài giai đoạn growth spurts (giai đoạn phát triển vượt bậc).

Giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt là gì?

Trong giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt, các bé bú mẹ bú nhiều hơn bình thường (đôi khi là các cữ bú chỉ cách nhau 1 giờ), và thường hay quấy hơn. Việc tăng nhu cầu sữa mẹ ở bé trong giai đoạn này chỉ là tạm thời.

Giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt thường vào các mốc: những ngày đầu sau sinh (thường ngày thứ 7-10), tuần thứ 2-3, tuần thứ 4-6, mốc 3 tháng, 4 tháng, 6 tháng và 9 tháng (có thể nhiều hay ít hơn những mốc này). Bé chưa biết xem lịch nên mỗi bé có thể khác nhau.

Hoặc có thể vì một vài lý do gì đó như mẹ bệnh hay bé bệnh, nên sữa có giảm đôi chút, thì bé có thể bú nhiều lần hơn để kích thích tạo sữa. Chỉ cần cố gắng cho con bú tích cực vài ngày thì sữa sẽ tăng nhiều trở lại, mẹ đừng vì thấy bé bú lắt nhắt hơn mà chêm sữa công thức vào, sẽ giảm kích thích tạo sữa, sữa mẹ không tăng lại được.

Ngoài ra, bé bú không chỉ do đói, còn có nhu cầu được thỏa cơn ghiền, hay muốn bú để được an ủi, vỗ về. Bé có thể đang sợ hãi hay lo lắng điều gì đó, bú mẹ giúp bé bình tâm. Vậy thì nếu có giai đoạn nào đó bé đột ngột bú nhiều lần hơn so với trước, mẹ cứ bình tĩnh, cho bú theo nhu cầu, vì tình trạng này chỉ là tạm thời mà thôi.

Hỏi: Xin chào bác sĩ em tên là Dương em vừa sinh em bé được 2 tháng 12 ngày mà em gặp vấn đề là ít sữa. Em đã làm đủ mọi cách từ dân gian đông y, ông bà xưa chỉ rồi thuốc tây như cốm lợi sữa nữa mà vẫn không cải thiện được bao nhiêu hết nên bé phải bú thêm sữa công thức.

Không biết vấn đề em đang gặp phải là do bị gì? Làm sao để có sữa nhiều cho bé bú thoải mái. Mong bác sĩ tư vấn giúp em.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Cơ chế tạo sữa là cơ thể sẽ dựa vào số lần bé bú, thời gian bé bú, nói chung là nhu cầu của bé bao nhiêu sẽ sản xuất ra sữa bấy nhiêu. Vì vậy, muốn nhiều sữa, không có cách nào khác là cho bé bú nhiều hoặc hút sữa nhiều lần trong ngày. Nếu mẹ có dùng bao nhiêu thức uống lợi sữa mà không tuân theo nguyên tắc này thì mẹ cũng sẽ không bao giờ có đủ sữa cho con.

Muốn kích sữa, em hút sữa hoàn toàn thì sẽ hút 1 ngày 8-12 lần (mỗi 2-3 tiếng). Nếu bé có ti mẹ thì em sẽ hút sữa sau khi bé ti mẹ cạn cả 2 bên nhé.

Hỏi: Chào bác sĩ Thy. Em sinh bé được tháng rưỡi. Lúc mới sinh do không có sữa nên mẹ em cho bé ti bình. Sau ít ngày em có ít sữa nhưng cho bé bú thì bé không bú (1 phần do em ít sữa 1 phần do đầu ti em bị thụt vào trong) đến giờ em vẫn phải vắt sữa cho bé ăn (ngày vắt máy khoảng chục lần) và ăn thêm sữa ngoài vì bé nhất quyết không ti nữa.

Em cảm thấy mình vẫn ít sữa dù là làm mọi cách ăn chân chó nấu cháo, uống chè vằng, ăn chân giò đu đủ xanh nấu gạo nếp, nấu cháo cá vẫn không khả quan. Gần chục ngày nay em có ăn cháo chân giò gạo nếp đu đủ xanh kết hợp uống nước đậu nành thì thấy sữa nhiều hơn chút thôi (vắt từ 440->550ml) vẫn không đủ cho bé ăn.

Qua đây xin hỏi chị làm thế nào để em có đủ sữa cho bé bú? Em thấy trên mạng nói dùng ÍCH MẪU LỢI NHI có tác dụng sau 10 ngày. Em có nên thử không. Cảm ơn chị.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Cơ chế tạo sữa là cơ thể sẽ dựa vào số lần bé bú, thời gian bé bú, nói chung là nhu cầu của bé bao nhiêu sẽ sản xuất ra sữa bấy nhiêu. Vì vậy, muốn nhiều sữa, không có cách nào khác là cho bé bú nhiều hoặc hút sữa nhiều lần trong ngày. Nếu mẹ có dùng bao nhiêu thức uống lợi sữa mà không tuân theo nguyên tắc này thì mẹ cũng sẽ không bao giờ có đủ sữa cho con.

Muốn kích sữa, em hút sữa hoàn toàn thì sẽ hút 1 ngày 8-12 lần (mỗi 2-3 tiếng). Nếu bé có ti mẹ thì em sẽ hút sữa sau khi bé ti mẹ cạn cả 2 bên.

Hỏi: Em đã đọc xong quyển “Để con được ốm”. Trong đó có thông tin người mẹ sau sinh vẫn ăn uống bình thường chỉ kiêng khem các chất như rượu, bia, thuốc lá…. Nhưng em nghe nói các thực phẩm nên tránh khi cho con bú có họ nhà cam, quýt, bưởi, đồ uống lạnh … vì sẽ làm tiết sữa như vậy có đúng không? Vì em rất muốn uống cam để tăng sức đề kháng tránh nhiễm bệnh sẽ lây cho bé và em cũng muốn uống sữa để lạnh nhưng lại sợ vấn đề ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa.

Bé nhà em đươc gần 2 tháng. Bé bú mẹ hoàn toàn. Em có cần cho bé uống thêm multivitamin không hay chỉ cần bổ sung vitamin D là đủ? “Dạy con được ốm” có đề cập là việc phơi nắng ở Việt Nam chưa có nghiên cứu về vấn đề dung nạp vitamin D ở trẻ. Vậy em chỉ cho bé bú mẹ và uống thêm vitamin D (400IU mỗi ngày) thì không cần phơi nắng? Và việc uống vitamin D/phơi nắng kéo dài đến khi nào (trẻ được bao nhiêu tuổi)?

Ngực em bên to bên nhỏ 10/6. Em thường cho bú bên nhỏ hết rồi mới bú bên to nhưng bên nhỏ thì ít sữa bên to thì nhiều sữa do đó thời gian bú bên to lại nhiều hơn do bên nhỏ chưa kịp về sữa mới nên phải cho bé bú bên to để có đủ sữa. Em xin lời khuyên của bác sĩ để điều chỉnh lại cho đều.

Trên đây là 3 thắc mắc của em về vấn đề sữa mẹ. Em rất mong nhận được phản hồi từ Victoria Healthcare. Em cảm ơn ạ.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Những quan điểm trong quyển sách “Để con được ốm” là đúng nha mẹ. Mẹ ăn uống phong phú, không kiêng khem, cứ việc uống nước cam, hoa quả và uống sữa lạnh nếu thích. Em không cần cho con uống thêm vitamin gì cả, chỉ cần bổ sung vitamin D uống cho bé, không cần phơi nắng.

Liều lượng vitamin D bao nhiêu thì em nên đến tư vấn bác sĩ Nhi Khoa, để bác sĩ xem xét bé xem nên uống bao nhiêu và uống đến khi nào nha, vì mỗi bé mỗi khác.

Có thể nuôi bé chỉ bằng một bên ngực? Câu trả lời: hoàn toàn có thể! Mẹ hãy yên tâm rằng, trên thế giới cũng có nhiều mẹ gặp trường hợp này và cũng nhiều mẹ gần như chỉ cho bú có một bên ngực, bé vẫn phát triển tốt!

Điển hình là những mẹ có bé sinh đôi, thì trung bình mỗi bé sẽ được nuôi bởi 1 bên ngực. Cho nên, em cần suy nghĩ xem mình có nhất thiết phải làm cho ngực 2 bên đều nhau? Thực tế là không có bộ phân “đôi” nào của mình hoàn toàn giống nhau: 2 tai, 2 mắt, 2 tay, 2 chân…đều không bằng nhau.

Một số cách làm tăng lượng sữa bên ngực ít sữa:

  • Cho bé bắt đầu cữ bú từ bên ngực nhỏ, vì bé thường sẽ hợp tác tích cực hơn, bú mạnh mẽ hơn vào đầu cữ bú.
  • Trong 1 cữ bú, cho bé bú bên ngực ít sữa nhiều hơn gấp đôi so với bên kia. Mẹ có thể bắt đầu cho bú ngực nhỏ -> bú ngực lớn -> quay lại bú ngực nhỏ.
  • Sau khi bé bú, mẹ sẽ hút thêm bên ngực nhỏ 5-10 phút, nếu bé có bú. Nếu bé không bú được, mẹ sẽ hút bên ngực nhỏ như hút 1 cữ sữa bình thường.
  • Giữa 2 cữ bú của bé, mẹ sẽ hút bên ngực nhỏ thêm 1 cữ nữa.

Nếu bên to bị căng sữa quá, mẹ hãy hút sữa bớt cho dễ chịu, tránh tắc sữa, không hút cạn (vì hút cạn làm sữa bên nhiều càng nhiều hơn).

Lúc nào 2 ngực của mẹ cũng có sự chênh lệch về kích cỡ. Nếu chênh lệch quá nhiều, ảnh hưởng đến việc ăn mặc của mẹ, mẹ có thể dùng miếng lót độn ngực. Đây là cách xử lý khi ngực đang làm nhiệm vụ cho bé bú.

Sau khi cai sữa, 2 ngực sẽ vẫn gần như bằng nhau, chênh lệch không nhiều và thật ra người ngoài nhìn vào cũng không thấy được sự chênh lệch này. Trong mắt của bản thân người mẹ bao giờ nhìn ngực mình cũng “trầm trọng” nhiều hơn trong mắt của người xung quanh.

Hỏi: Cho cháu hỏi với bác sĩ ơi. Cháu được 5 tháng tuổi, từ khi sinh ra đã bú bình sữa ngoài kèm theo bú mẹ vì mẹ ít sữa, chưa bao giờ mẹ có cảm giác ngực căng tức hay chảy sữa, hơn 1 tháng nay bé bỏ bú bình, bỏ bình vô là ré, lừa ra, rên rỉ (chắc là không ưa), bỏ ti mẹ vô thì bú liền.

Từ hôm bỏ bình đến giờ nhìn có vẻ ốm nhưng cân thì không sút. Đút thì cháu khóc ngặt nghẽo hoặc rên rỉ ỉ ôi, có nên kệ cháu khóc rồi ép không bác sĩ ơi? Bé sinh ra 2,7kg giờ được 7,5 kg rồi ah.

Tổng hợp những tư vấn về sữa mẹ và các vấn đề khi cho con bú mẹ

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Bé tăng cân rất tốt đó mẹ. Không biết bé bú mẹ hoàn toàn được bao lâu rồi? Tuy nhiên muốn biết bé bú đủ hay không mình quan sát các dấu hiệu bú đủ: nước tiểu vàng nhạt, tè ướt từ 5-6 bỉm trở lên, ị đều, cuối tháng tăng cân và chiều cao tốt.

Nếu bé có các dấu hiệu: nước tiểu vàng nhạt, tè ướt từ 5-6 bỉm trở lên, ị đều thì mẹ yên tâm. Mới bú mẹ hoàn toàn lại sẽ mất vài ngày đến 1 tuần để sữa tăng đủ cho bé bú thoải mái. Nếu không có dấu hiệu bú đủ, mẹ cần liên hệ bác sĩ sữa mẹ trở lại nha.

Hỏi: Khi mới sinh bé có ti bình nhưng sau đó thì bú mẹ hoàn toàn mình mới tập bé ti bình gần đây thôi. Hôm 26/2 bé tiêm 5 trong 1 lần 2 uống văcxin OPV lần 2. Ngày 12/3 bé uống Rota vacxin. Hôm qua bé đi ngoài đến 10 lần có lẫn máu. Bé rất hiếm khi bú hết 1 bên trong 1 cữ nhưng mẹ có nặn bớt sữa đầu. Lần sau cho bú thì đổi bên. Xin tư vấn giúp em với.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Uống rota có thể làm bé có rối loạn tiêu hóa hay biếng ăn nhẹ, tuy nhiên, mẹ nên dẫn bé đi khám để xem có vấn đề gì khác hay không. Vế vấn đề bú mẹ, bé đi tiểu nhiều bị mất nước thì càng phải được bú mẹ bổ sung.

Mình không vắt sữa đầu, sữa đầu vẫn quan trọng với bé. Mình sẽ cho bé bú, nếu bú không hết 1 bên trong 1 cữ, thì cữ sau mình cho bú tiếp bên đó, đến khi nào bên đó cạn thì mới đổi bên. Bên còn lại nếu căng thì hút ra bớt (không hút cạn, vì hút cạn làm sữa càng nhiều thêm), hút đến khi cảm thấy dễ chịu hơn, mình làm vậy để tránh tắc tia.

Hỏi: Chào bác sĩ. Bác cho em hỏi bé nhà em tự dưng bỏ bú, bé đi ngoài phân có mùi chua và nổi bọt, có cách nào khắc phục không ạ? Bé được 40 ngày bé bú mẹ trực tiếp.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Bé bú mẹ hoàn toàn di phân lỏng lợn cợn, đôi khi phân có ít bọt, màu xanh. Mẹ cần chú ý cho bé bú cạn 1 bên rồi mới đổi bên. Nếu bé bú không hết 1 bên trong 1 cữ, thì cữ sau mình cho bú tiếp bên đó, đến khi nào bên đó cạn thì mới đổi bên. Bên còn lại nếu căng thì hút ra bớt (không hút cạn, vì hút cạn làm sữa càng nhiều thêm), hút đến khi cảm thấy dễ chịu hơn, mình làm vậy để tránh tắc tia.

Về việc bé bỏ bú, mẹ có thể cho biết thêm là mẹ có canh giờ cho bé bú hay không? Bỏ bú là không bú 1 cữ nào trong 24 giờ? Hay có mà ít? Nếu ít thì bao nhiêu lần trong 24 giờ, bao lâu bú 1 lần? Thông thường, mình cần cho bé bú theo nhu cầu, không canh giờ, khi nào đòi mới cho bé bú nha mẹ.

Hỏi: Chào bác sĩ. Bé nhà em được 6,5 tháng, em mới cho ăn dặm nhưng bé không chịu ăn, chỉ phun ra, khóc. Em đã thử ngưng không cho em ăn dặm 2-3 ngày. Cuối cùng bé vẫn không chịu ăn. Em phải làm sao mong bác sĩ tư vấn giúp.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Cho con ăn dặm không có được ép. Càng ép sẽ càng làm tình hình tệ hơn. Trước hết mình cần cách các cữ ăn của bé khoảng 4 tiếng. Bữa ăn là dặm chứ không phải bữa chính nên ăn chỉ là phụ, nghĩa là 1 bữa ăn của bé sẽ là: thức ăn dặm + sữa, chứ không phải bé phải ăn hết 1 suất cho no. Để bé đừng sợ, bữa ăn vẫn diễn ra cùng với 1 số điều chỉnh như đã nói, nếu bé nhất quyết lắc đầu không ăn thì dừng. Nên cho bé ăn ngồi trên bàn, bày chén muỗng cho bé vọc, có thể cho ít thức ăn vào để bé khám phá.

“Giờ ăn là giờ chơi, đồ ăn là đồ chơi, mẹ là bạn chơi”.

Hỏi: Em muốn hỏi như sau: con em 7.5 tháng, uống sữa mẹ hoàn toàn. Tuần trước em bị chó cắn ở chân, chó nhà bạn em vừa đẻ nên dữ. Chó đã tiêm phòng carre. Em thì không tiêm vì là chó nhà nên để theo dõi. Hiện em vẫn cho con bú thì có sao không ạ?

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chó đã tiêm ngừa thì khả năng bị dại là rất thấp. Em có thể cho con bú bình thường, tuy nhiên em nên tiêm ngừa cho đến khi xác định là chó không bị dại. Thuốc tiêm có thể dùng trong khi cho con bú.

Hỏi: Mình sinh em bé được 1 tháng 20 ngày, lúc mới sinh bé lười bú nên bị ít sữa, hút 2 bên được 60ml. Mình kích sữa nhưng chỉ được 3,4 lần/ngày, sau khi bé bú 1h hoặc lúc rảnh. Còn lại để bé bú trực tiếp, nhờ bác sĩ tư vấn kích sữa như vậy có hiệu quả không?

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, Không biết hiện tại bé có phải bú thêm sữa công thức không?

– Nếu không thì mẹ cứ tiếp tục cho bé bú mẹ tích cực theo nhu cầu, sẽ đủ sữa.
– Nếu mẹ phải bổ sung thêm, thì mẹ sẽ cho bú cả 2 bên nhiều lượt. Ví dụ, bú bên phải -> trái -> phải -> trái … Vài lượt như vậy. Sau đó không đủ no thì cho bú thêm sữa vẫn hay bú, mẹ sẽ vắt sữa sau mỗi cữ bú của con. Có thể vắt ngay sau bú hay vắt sau đó 30-60 phút.

Cách hút sữa đúng:

Không có phương pháp nào có thể rút sữa khỏi ngực mẹ một cách hiệu quả bằng việc bé bú trực tiếp. Lý do: miệng, lưỡi, hàm trên, hàm dưới của bé tạo ra cơ chế kích thích đầu ti – quầng vú, và tạo ra cơ chế nút, áp lực nút một cách tự nhiên mà việc dùng tay hay dùng máy không thể nào thay thế được.

Chìa khóa để vắt/hút sữa thành công: Kích thích phản xạ xuống sữa. Mẹ sẽ kích thích phản xạ xuống sữa bằng cách dùng chế độ massage của máy (hút nhẹ nhưng nhanh), hoặc dùng ngón tay chụm lại vê quầng vú và đầu ti. Khi phản xạ xuống sữa xảy ra, mình sẽ chuyển chế độ hút. Cần kích thích xuống sữa trước khi hút và mỗi 4-5 phút trong quá trình hút sữa.

Hỏi: Chào bác sĩ, em bị áp-xe vú đã rạch một bên và bên đó hiện giờ đã giảm sữa, bên vú bị áp-xe đầu ti nhỏ nên bé không chịu bú, do đó em để bé bú 1 bên. Cho em hỏi bé bú vậy có đủ không? Sữa của em trước khi rạch không được nhiều 2 bên chỉ được 100ml. Mỗi lần em bé bú xong em vắt thêm 10 phút nữa nhưng không ra sữa.

Như vậy em bị ít sữa phải không ạ? Bé nhà em 4,5 tháng. Tháng cuối lên được có 300gr. Và vì em bé nhà em bú lắt nhắt, có khi bú xong 1 tiếng là đã đòi bú, do đó cữ bú của bé không ổn định, vậy em nên kích sữa theo thời gian biểu như thế nào? Mong bác sĩ hồi âm. Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Về cách cho bú: Mẹ cần chú ý cho bé bú cạn 1 bên rồi mới đổi bên. Nếu bé bú không hết 1 bên trong 1 cữ, thì cữ sau mình cho bú tiếp bên đó, đến khi nào bên đó cạn thì mới đổi bên. Bên còn lại nếu căng thì hút ra bớt (không hút cạn, vì hút cạn làm sữa càng nhiều thêm). Như vậy bé mới bú được nhiều sữa sau để tăng ký tốt. Từ tháng 3 trở đi các bé thường tăng ký ít hơn những 2 tháng đầu.

Sắp tắc tia, áp xe, sẽ có tình trạng giảm sữa. Muốn tăng sữa lại, mình tích cực cho bé bú bên đó, và hút sữa thêm bên đó. Kích sữa cần thời gian dài, 2-4 tuần sữa mới tăng dần, vì vậy mẹ cần kiên trì.

Hỏi: Hi Victoria, Hiện tại bé nhà em được 10 tháng, em đã đi làm từ lúc bé 6 tháng và phải gửi bé về quê cho bà ngoại chăm sóc. Em muốn duy trì sữa mẹ cho bé nhưng đến nay em thấy sữa vắt càng ngày càng ít.

Ngày xưa đi làm ban ngày tối về bé bú mẹ thì mỗi ngày em vắt được gần 500ml, nhưng giờ cả ngày đêm vẫn chỉ có 600ml đến 700ml. Em vắt mỗi 3h/lần, mỗi lần cả 2 bên chỉ được 100ml có lúc ít hơn.Mong nhận được tư vấn bên Victoria.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, muốn duy trì sữa mẹ khi đi làm, nguyên tắc chung là không nên để sữa ứ trong ngực quá 4 giờ. Nếu điều này thường xảy ra trong 1 ngày (mặc dù có nhiều lúc 3 tiếng em hút 1 lần thật), thì sữa sẽ giảm dần theo thời gian. Có thể mẹ đã phạm vào nguyên tắc này.

Nếu mẹ muốn tăng lượng sữa trở lại, mẹ cần tăng số lần hút sữa. Ngoài ra, cần hút đúng cách để có thế hút được triệt để sữa có trong ngực, nếu mẹ hút không đúng cách, sẽ khiến cho sữa vẫn còn nhiều trong ngực, khi sữa còn trong ngực thì cơ thể sẽ hiểu là dư sữa, điều này cũng khiến cho lượng sữa bị giảm dần.

Hỏi: Nhờ bác sĩ tư vấn giúp cách tập cho bé bú bình bằng sữa mẹ khi mẹ chuẩn bị đi làm lại, cách chọn bình … Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào em, trước khi đi làm khoảng 2-4 tuần, mẹ sẽ bắt đầu tập ti bình cho bé. Mẹ sẽ tập nhiều lần trong một ngày. Ban đầu tập trong khoảng thời gian ngắn 5 phút, mỗi ngày sẽ tăng thời gian tập thêm vài phút, sau đó vẫn cho bé bú mẹ.

Tinh thần cần chuẩn bị những gì?

Khi người lớn chúng ta có một món đồ mới, việc đầu tiên chúng ta làm là gì? Là nhìn, quan sát, sờ xem nó ra sao, như thế nào, trước khi chúng ta dùng đúng chức năng của nó. Vậy thì với bé cũng vậy, khi bé biết đến cái bình, mẹ đừng bắt bé phải bú ngay sữa trong bình, đừng bắt bé phải bú một cữ đầy đủ bằng bình.

Hãy xem cái bình như một thứ đồ chơi: “Bé cưng ơi, con xem mẹ có cái bình nè, mẹ cho một chút sữa vào nữa, con thấy hay không?” Mẹ chỉ cho một ít sữa vào bình thôi. Hãy chấp nhận và khen ngợi con khi con chịu ngậm bình và chỉ mới có … nhai. Như vậy là tốt rồi, bé đang khám phá cái bình.

Không nên làm bé sợ cái bình. Mọi hành động như ép, la lối bé, hù dọa bé (không bú là mẹ không thương) sẽ chỉ làm bé sợ hãi và có ấn tượng xấu với cái bình mà thôi. Một khi đã ghét, đã sợ thì công cuộc tập bình sẽ càng gian truân hơn.

Và nếu cuối cùng, bé nhất quyết không ưng cái bình, mẹ cũng đừng quá lo lắng, mẹ vẫn có thể cho con uống sữa bằng thìa, cốc …, và đấy hoàn toàn bình thường.

Một số cách tập bú bình?

Mỗi bé mỗi khác, vì vậy, nếu cách này không hiệu quả, hãy thử cách khác! Cách này có thể hiệu quả với bé này nhưng lại không hiệu quả với bé kia.

– Nên để cho người sẽ chăm bé sau này tập bé ti bình. Có thể là ba hay bà. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bé lại không chịu bú bình với người lạ, nhưng mẹ cho bú thì lại chịu.

Với những bé không chịu bú bình khi không có mẹ, người cho bé bú có thể thử xoay mặt bé qua hướng khác để bé không thấy mặt mình, có bé sẽ hợp tác. Hoặc người cho bé bú có thể mặc quần áo của mẹ bé, để trông có vẻ giống mẹ bé hơn.

– Tập khi bé không quá đói. Nếu bé quá đói, hãy cho bé uống 1 ít sữa bằng thìa hay bằng cốc, sau đó sẽ tập bình.

– Thử đổi núm ti ngắn hơn hay dài hơn, vì đầu ti sẽ đụng vòm họng bé, nơi mà cái ti “thật sự” cũng hay đụng vào đó. Có thể kích thước núm ti này không chạm trúng nơi mà bé quen thuộc, thay núm ti khác lại được.

– Thử vừa cho bé ti bình, vừa bế bé hát ru, đung đưa.

– Thử một vài tư thế khác nhau. Có bé thích tư thế bình thường mẹ hay cho bú, có bé lại hợp tác khi ở tư thế mới, ví dụ cho lưng bé tựa vào lòng người đút bé, mặt bé xoay ra ngoài, hay cho bé tựa lên đùi, mặt bé đối diện mặt người cho bé bú.

– Một số bé không thích được ôm hay giữ trong lòng. Hãy thử cho bé bú bình trong xe đẩy xem sao.

– Có bé thích núm ti ấm, nhưng một số bé sắp mọc răng lại thích núm ti hơi mát lạnh. Hãy cho nước ấm lên núm ti hay cho núm ti và tủ lạnh, xem bé thích cách nào hơn.

– Hãy thử bọc bình sữa bằng cái khăn sữa có mùi sữa mẹ, hoặc bằng miếng vải hay khăn có mùi của mẹ.

Cách chọn bình và núm ti

Để giảm thiểu nguy cơ bé bỏ ti mẹ, mẹ cần chọn núm ti và bình sao cho bé có cách ngậm bú giống với khi ti mẹ nhất.

– Chọn núm ti dài, bầu rộng để bé có thể há miệng to và ngậm sâu. Tuy nhiên nếu bầu quá rộng cũng không tốt, vì khi bầu quá rộng, bé sẽ không ngậm núm ti sâu được, trong khi bé cần ngậm núm ti càng sâu càng tốt, vì khi ti mẹ, đầu ti mẹ sẽ nằm rất sâu trong vòm họng. Chọn bầu rộng nhưng cũng nên vừa phải.

– Tốc độ xuống sữa của núm ti phải chậm để buộc bé phải nút mạnh, phải “lao động” như khi ti mẹ.

– Khi cho bú, không chủ động nhét ti vào miệng bé, vì như vậy, bé sẽ không há to được.

– Khi cho bú, mẹ hãy kích thích môi bé như khi cho bú mẹ, để bé há miệng to, tạo điều kiện để bé tợp núm ti (nghĩa là bé phải ở thế chủ động), cần cho 2 môi bé há càng to càng tốt. Đỉnh núm ti phải hướng lên vòm họng trên của bé, cằm bé có xu hướng đụng bầu núm ti.

– Tư thế cho bú: để bé tư thế gần như ngồi, để sữa không xuống quá nhanh, điều này giúp bé chủ động phải nút mạnh sữa mới ra.

– Chọn bình thẳng, và giữ cho nó nằm ngang, để sữa không theo trọng lực mà tự chảy vào miệng bé. Bé cần chủ động nút để có sữa, giống như khi bú mẹ.

– Một cữ bú bình của bé nên kéo dài khoảng 20 phút, nhưng cũng không nên quá 30 phút. Nếu bé hoàn thành cữ bú trong vòng < 10 phút, điều này có nghĩa là sữa đã xuống quá nhanh, không giống như khi bú mẹ trực tiếp. Nếu > 30 phút, có nghĩa bé nút sữa không hiệu quả, mẹ hãy kiểm tra xem lỗ núm ti có đủ to không.

– Để bé không bị cho bú quá nhiều, khi mẹ nghĩ bé sắp no, hãy rút bình ra, sau đó lại kích thích núm ti vào miệng bé xem bé có hào hứng ngậm ti tiếp không, nếu có, hãy cho bé bú tiếp, sau khoảng 10 lần nút, lại rút ra và lặp lại như thế, hỏi bé có muốn nữa không, mẹ sẽ thấy thái độ của bé sau mỗi lần hỏi như vậy sẽ thay đổi. Bé bú bình sẽ rất dễ bị cho bú nhiều hơn nhu cầu của bé, hãy cho bé bú đúng nhu cầu mà thôi.

Hỏi: Chị cho em hỏi cho bé bú ngay sau khi hút sữa có sợ bé chỉ bú được sữa sau mất sữa trước không ạ?

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Dĩ nhiên, bé bú ngay sau khi hút sữa thì bé chỉ bú sữa sau, không bú được sữa trước. Không biết mục đích của bạn hút sữa để kích sữa hay để dành sữa. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng cách hút sữa sau khi cho con bú, thì sẽ không bị bối rối chuyện hút sữa trùng giờ bé bú.

Hỏi: Chào bác sĩ. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp là nếu mẹ bị đau bụng tiêu chảy hoặc cảm thì có thể cho bé bú mẹ được không ạh. Cảm ơn.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, rối loạn tiêu hóa hay nhiễm trùng tiêu hóa không lây qua sữa mẹ, nên mẹ vẫn cứ tiếp tục cho bé bú. Điều mẹ cần làm là cần vệ sinh sạch sẽ thân thể, rửa tay sạch mỗi khi tiếp xúc với bé.

Hỏi: Chào bác sĩ! Bác sĩ tư vấn giúp em. Hiện em đang uống thuốc chống động kinh Levetiracetam 500 mg. Ngày uống 03 viên. Em đang mang thai được 38 tuần và sắp sinh. Bác sĩ tư vấn giúp em dùng thuốc vậy có cho em bé bú sữa mẹ được không?

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, các nghiên cứu cho thấy rằng nếu mẹ đang cho con bú dùng Levetiracetam với liều 1500-3000 mg trong 1 ngày thì thuốc sẽ qua sữa mẹ, và khi vào bé thì nồng độ chỉ còn 3-8% so với liều của người mẹ.

Cơ thể bé có thể tự chuyển hóa và thải trừ thuốc dễ dàng. Các thử nghiệm gần đây nhất cũng cho thấy khi mẹ dùng Levetiracetam, thì không tìm thấy vấn đề gì ở trẻ sơ sinh bú sữa mẹ trực tiếp.

Tuy nhiên, có một trường hợp được báo cáo: mẹ dùng cùng lúc nhiều nhóm thuốc chống động kinh cùng một lúc, trẻ có hiện tượng yếu cơ và biếng bú. Levetiracetam được đánh giá là khá an toàn. Vì vậy nếu mẹ chỉ dùng 1 loại thuốc chống động kinh duy nhất là Levetiracetam thì vẫn có thể cho con bú sữa mẹ.

Hỏi: Bác sĩ Anh Thy ơi giúp em với. Cách đây 2 ngày, bé gái nhà em tròn 3 tháng, em có cho bé đi tiêm pentaxim. Bác sĩ kiểm tra sức khoẻ hoàn toàn bình thường nhưng cân nặng được có 4,5kg, không đạt tiêu chuẩn và nằm trong diện thiếu dinh dưỡng.

Bình thường ở nhà bé không ăn theo cữ, cứ đói khóc là em cho ăn, cũng không có mức cố định. Lúc bé ăn thế này mai ăn thế khác. Sau khi đi tiêm về, 2 hôm nay em đã ‘thiết quân luật’ 2 tiếng cho bé ăn 1 lần nhưng không phải lúc nào bé cũng ăn, có khi ép lắm thì được 10 ml. Em xin nhờ bác sĩ tư vấn giúp em:

– Phương pháp tạo cữ ăn cho bé. Tiêu chuẩn mức ăn, cân nặng của em bé ở độ tuổi này? Chế độ ăn thuốc hay thuốc cần bổ sung để sữa mẹ có nhiều chất cung cấp cho con

– Sau khi sinh em có dấu hiệu gầy hơn cả trước khi mang bầu. Ăn không ngon miệng. Hồi mới sinh mỗi cữ em có thể vắt ra >200ml sữa nhưng giờ cứ 2 tiếng em cũng chỉ vắt được 60ml. Bác sĩ giúp em phương pháp lấy lại sữa đảm bảo đủ sữa cho bé đến 6 tháng.

Ngoài ra, vấn đề em cực kỳ quan tâm là có thể do em hâm sữa mẹ quá lâu trước khi bé ăn nên dẫn đến sữa mất chất dinh dưỡng, không còn gì cho bé hấp thụ.

Bác sĩ cho em hỏi sữa vắt ra thì để trong ngăn đá được bao lâu? Ngăn mát để sử dụng trong ngày thì được bao lâu? Để trong bình hâm được bao lâu? Trong trường hợp lấy ra quá nhiều sữa mà bé không ăn hết thì em có được cất lại tủ lạnh cho bữa sau không hay phải đổ đi?

Tổng hợp những tư vấn về sữa mẹ và các vấn đề khi cho con bú mẹ

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào em, để đánh giá bé có phát triển tốt hay không, cần các thông tin như: bé trai hay gái? Bé sinh đủ tháng hay không? Cân nặng và chiều dài từng tháng của bé từ lúc sinh đến nay thế nào?

Không thể chỉ lấy 1 con số ở một thời điểm để đánh giá, cần phải đánh giá dựa trên một quá trình dài. Vì vậy chưa thể kết luận là bé phát triển tốt hay không. Nếu giả sử bé chậm tăng cân thật sự, bạn cần xem lại 1 số điều sau:

– Nếu bé bú mẹ trực tiếp, cần cho bé bú cạn 1 bên rồi mới đổi bên, nếu bé không bú hết 1 bên thì cữ sau lại bú bên đó, chứ không đổi bên.

– Nếu hút sữa hoàn toàn cho bé bú, cần hút tối đa lượng sữa có trong ngực, như vậy bé mới bú được cả sữa đầu và sữa sau. Ngoài ra, nếu không hút được tối đa sữa trong ngực, sữa còn ứ lại sẽ khiến cơ thể hiểu là dư sữa, từ đó cũng gây giảm sữa.

Cách hút sữa đúng:

Không có phương pháp nào có thể rút sữa khỏi ngực mẹ một cách hiệu quả như việc bé bú trực tiếp. Lý do: miệng, lưỡi, hàm trên, hàm dưới của bé tạo ra cơ chế kích thích đầu ti – quầng vú, và tạo ra cơ chế nút, áp lực nút một cách tự nhiên mà việc dùng tay hay dùng máy không thể nào thay thế được.

Chìa khóa để vắt/hút sữa thành công: Kích thích phản xạ xuống sữa. Mẹ sẽ kích thích phản xạ xuống sữa bằng cách dùng chế độ massage của máy (hút nhẹ nhưng nhanh), hoặc dùng ngón tay chụm lại vê quầng vú và đầu ti. Khi phản xạ xuống sữa xảy ra, mình sẽ chuyển chế độ hút.

Cần kích thích xuống sữa trước khi hút và mỗi 4-5 phút trong quá trình hút sữa.

– Nếu đã hút sữa đúng cách, bạn nên  xem lại khâu bảo quản sữa có đúng hay không.

Sữa mới vắt giữ được trong ngăn mát trong vòng 3 ngày, ngăn đá tủ lạnh 1 cánh (ngăn đá thông với ngăn mát) được 2 tuần, ngăn đá tủ lạnh 2 cánh trở lên (ngăn đá riêng biệt) được 3 tháng, tủ đông chuyên dụng từ 6-12 tháng.

Sữa khi làm ấm, không được đun sôi, chỉ làm ấm < 40 độ.  Sữa chưa bú thì không để trong bình hâm, nên được trữ trong tủ lạnh, khi nào tới giờ bú thì mới lấy ra làm ấm, không được để lâu dài trong bình hâm, nhiệt độ cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng phát triển. Sữa đã dính nước bọt của bé nên dùng hết trong vòng 1 giờ, còn dư thì phải bỏ đi.

Hỏi: Em muốn hỏi bác sĩ là cách cho bé bú hiệu quả, làm sao để mẹ có nhiều sữa. Xin cám ơn bác sĩ, chúc BS sức khỏe tốt nhé.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Câu hỏi của mẹ không cụ thể nên rất khó đưa ra giải pháp thích hợp nhất cho trường hợp của ba/mẹ.

– Để bé bú hiệu quả từ ngực mẹ, trước hết mình phải tìm hiểu tư thế bú đúng và khớp ngậm đúng. Khi có được 2 điều này, bé sẽ bú hiệu quả. Khi bú hiệu quả, tự khắc sữa sẽ sản xuất đủ theo nhu cầu của mẹ.

– Để đủ sữa, mẹ cần cho bé bú ngay sau khi sinh, hoặc sau khi về với mẹ nếu sinh mổ phải cách ly, cho bé bú theo nhu cầu, không canh giờ – đây là yếu tố quan trọng nhất vì sữa sẽ sản xuất theo nhu cầu.

Bên cạnh đó, mẹ cần thư giãn đầu óc, không stress, nghỉ ngơi đủ, ăn uống phong phú, không kiêng khem quá mức… Những điều này sẽ góp phần cho sữa ổn định. Nếu mẹ có những điều này nhưng không tích cực cho bú thì sữa sẽ không sản xuất đủ cho bé được.

Hỏi: Xin chào bác sĩ! Bác sĩ cho em hỏi con em bú mẹ 2 bên thì 1 bên rất hay bị trầy xước 2 bên đầu ti và nứt cổ gà phía dưới nên em phải hút sữa cho bé bú bình. Bác sĩ giúp em có cách nào khắc phục không ạ? Ti bên kia bé vừa bú vừa kéo tí mẹ mà không sao hết. Hiện em đang phải bôi Bepanthen để hết trầy, vừa khỏi cho bé bú lại bị tiếp. Lưỡi con em trắng nhiều, không biết có phải vì lý do đó không? Ngoài ra thỉnh thoảng em cảm giác đau nhói ở ngực như kim châm nên không biết có bị tắc sữa không? (Em cho bé bú mẹ hoặc hút sữa đều 3h/lần). Cảm ơn bác sĩ nhiều.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, không biết bé đã mấy tháng rồi? Khớp ngậm bé có đúng hay không? Một trong những nguyên nhân gây tổn thương đầu ti là ngậm không đúng cách. Muốn biết chính xác thì cần phải quan sát trực tiếp bé ngậm ti mẹ. Ngoài ra đầu ti mẹ cũng cần được quan sát trực tiếp mới có thể đưa ra kết luận. Một số trường hợp bé bị nấm lưỡi, lây qua cho đầu ti mẹ, khiến đầu ti mẹ cũng bị đau kéo dài. Mẹ nên đi kiểm tra trực tiếp.
Ngoài ra mẹ lưu ý là việc sữa mẹ dư nhiều cũng là nguyên nhân dễ gây tắc tia.

Hỏi: Chào Victoria Healthcare, em có câu hỏi mong được bác sĩ Thy giúp em: con em được 2,5 tháng, sinh đủ tháng, lúc sinh 3,7 kg, bú sữa mẹ hoàn toàn. Em có đọc là nên cho con bú theo nhu cầu nhưng mỗi cữ bú của con em rất ngắn. Mỗi lần cháu chỉ bú 5-10 phút, sau đó 1 giờ lại đòi bú tiếp. Em muốn hỏi có nên giãn cữ bú của con ra không và làm thế nào?

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, nếu bé tăng cân và chiều cao tốt thì không cần lo lắng, một số bé bú giỏi thì chỉ cần bú nhiêu đó thời gian. Không biết là 1 tiếng bú 1 lần là cữ nào cũng vậy hay chỉ 1 khoảng thời gian trong ngày? Điều này mới xảy ra thôi hay từ lúc sinh đến giờ? Vì chưa đủ thông tin nên không tư vấn cụ thể cho mẹ được. Nếu chỉ là mới đây thì thường hiện tượng này chỉ kéo dài một thời gian mà thôi.

Ngoài ra, để bé có thể lâu đói hơn, mẹ lưu ý cho bé bú cạn 1 bên rồi mới đổi bên, nếu bú không hết 1 bên trong 1 cữ thì cữ sau bú lại bên đó. Việc bú được nhiều sữa sau sẽ giúp bé no lâu hơn.

Hỏi: Em có thắc mắc là bé có cần bú đêm hay không? Bé nhà em lúc sinh 2,8kg, nay được 4 tháng 9 ngày, cân nặng 6,5kg, bé đã ngủ xuyên đêm từ 10g đến 7g sáng từ lúc 2,5 tháng. Bé ti mẹ hoàn toàn. Em thấy các bé khác mẹ thường cho bú đêm trong lúc ngủ và tăng cân khá tốt. Em không biết mình có nên làm vậy không? Cảm ơn bác sĩ. Chúc bác sĩ nhiều sức khỏe.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, bé của mẹ tăng cân vậy là rất tốt. Dấu hiệu tăng cân tốt là bằng chứng của việc bú đủ. Vì vậy, nếu bé tự bỏ bú đêm, mẹ cứ thuận theo sinh lý của bé nha.

Hỏi: 03 tháng nữa mình sinh bé thứ 2. Bé trước đây của mình không bú mẹ được do đầu ti to cộng với sinh mổ nên không có sữa vắt cho bé bú, mình lo bé thứ 2 cũng vậy. Nhờ BS tư vấn giúp mình làm sao cho bé bú được và có nhiều sữa ngay khi sinh (bé sau 1-2 ngày mới có sữa mẹ)?

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, việc được da tiếp da ngay sau sinh, và ngay khi về với mẹ, để bé tự tìm ti và tự bú sẽ giúp cho bé chủ động bú đúng khớp. Nếu mẹ có thể thực hiện được điều này, mẹ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Mẹ có thể xem 1 số tư thế bú sau khi sinh mổ như sau:

Trong trường hợp bé vẫn không ti mẹ được, mẹ sẽ vắt sữa bằng tay dùng muỗng cà phê hứng, ĐÚT THÌA cho bé. Khi sữa khá hơn thì có thể dùng máy hút sữa, nếu mẹ muốn, vắt tay vẫn tốt nếu mẹ vắt rành, đúng kỹ thuật.

Một ngày cần vắt 8-12 lần, nghĩa là vắt sữa mỗi 2-3 giờ, nếu bé không bú trực tiếp được bao nhiêu hết.

Mẹ có thể đút thìa cho bé dịu cơn đói, sau đó lại cho nằm sấp lên ngực tập ti. Nếu không thành công, mẹ đút thìa cho bé no, sau đó đợi cữ sau lại tập. Thường thì nếu mẹ kiên nhẫn, sau vài tuần, miệng bé sẽ lớn hơn 1 chút, bé sẽ ngậm tốt.

Để biết bé bú hiệu quả không, mẹ cần nhận biết các dấu hiệu bú đủ:

Tã ướt:

  • Ngày 1: Từ 1 cái tã ướt trở lên
  • Ngày 2: Từ 2 cái tã ướt trở lên
  • Ngày 3: Từ 3 cái tã ướt trở lên
  • Ngày 4: Tã ướt từ 6 lần trở lên trong 1 ngày
  • Ngày đầu tiên là một miếng tã ướt, và số tã ướt tăng lên dần, đến ngày thứ 4 là từ 6 cái trở lên. Nước tiểu có màu vàng nhạt và có mùi nhẹ.

Tã dơ:

  • Ngày 1: Từ 1 cái tã dơ trở lên, phân su đen dính
  • Ngày 2: Từ 1 cái tã dơ trở lên, phân su/phân chuyển tiếp (màu chuyển sang màu xanh từ từ)
  • Ngày 3: Phân chuyển tiếp màu nhạt dần thiên về xanh
  • Từ ngày thứ 4: 3 – 4 cái tã dơ trong 1 ngày
  • Ngày thứ 5, phân có màu vàng (không phân su) và độ lớn của phân trải trên tã từ 2,5 cm trở lên. Phân bình thường của trẻ bú sữa mẹ thường có màu vàng và lỏng (mềm, chảy nước, có hoa cà hoa cải).

Hỏi: Do sinh đôi nên mình rất khó có thời gian đến phòng khám tư vấn trực tiếp. Hai bé trai 2.9kg và gái 2,7kg sinh vào lúc 38 tuần. Đến nay là được 3,5 tháng, bé trai 5.8kg, gái 5.5kg. Hai bé đều bú 3 giờ một lần. Bé trai ti mẹ khoảng 10-15p,  bé gái bú bình (sữa mẹ) 120-150ml.

Tuy nhiên, gần tuần nay, bé gái bú giảm rõ rệt chỉ còn 80-100ml/lần và có khi cách tới 4-5 tiếng mới chịu bú. Bé trai chỉ chịu ti mẹ khi lơ mơ sắp ngủ, lúc thức chỉ bú 5 phút rồi nghiến ti, không chịu bú tiếp, mẹ cố cho bú tiếp thì con có hiện tượng nhợn ói, và ọc sữa.

Xin hỏi bác sĩ nguyên nhân và cách khắc phục nếu tình trạng này kéo dài mình sợ bé sẽ suy dinh dưỡng (bé có uống vitamin D và phơi nắng mỗi ngày 20 phút).

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, cả 2 bé nhà mẹ đề phát triển cân nặng ổn. Vào khoảng thời gian 2-4 tháng, các bé có 1 giai đoạn biếng bú sinh lý. Mẹ không cần quá ép bé. Giai đoạn này chỉ là tạm thời vài tuần, nó không kéo dài mãi. Nếu ép bé, sẽ đưa đến tình trạng bé sợ ăn. Miễn bé vẫn lanh lợi, phát triển tốt các kỹ năng là được.

Khi bé bú lại, bé sẽ tăng ký tốt trở lại. Tháng này bé có thể tăng ít ký 1 tí, nhưng không đến mức suy dinh dưỡng đâu nha mẹ. Suy dinh dưỡng không chỉ dựa vào mỗi cân nặng. Nếu mẹ thấy bé bú có vẻ lo ra, ham hóng hớt xung quanh, mẹ có thể kiếm 1 chỗ yên tĩnh, ít ánh sáng để bé tập trung bú hơn. Bé có thể giãn cữ bú ra mỗi 4 tiếng vẫn là bình thường.

Hỏi: Chào Victoria Healthcare, em có 2 câu hỏi mong được bác sĩ Thy giải đáp ạ:

Kích sữa: em đã kích sữa được 2 tháng nhưng lượng sữa vẫn chưa đủ cho con bú. Phương thức kích sữa của em là 2h hút sữa 1 lần, nếu con dậy vào cữ bú thì để con bú luôn, và vì con bú lâu do sữa xuống ít và chậm nên thường mất gần 1h, gần cữ sau, nên sau khi con bú em không hút thêm 10 phút nữa mà đợi luôn đến cữ hút sau. Lượng sữa từ 20ml/bên lên 30ml/bên trong 1 tháng, vậy em nên làm gì để cải thiện nhanh hơn?

Con bú mẹ: khi em để con bú, cháu có thể bú triền miên hàng giờ rồi lim dim ngủ, nhưng khi rút ti ra, cháu lại tỉnh dậy. Đó có phải cháu bú chưa đủ no không? Và em có nên cứ để cháu bú triền miên hàng giờ như vậy không? Hay cho cháu uống thêm sữa ngoài? Nhìn vào bỉm thay hàng ngày của cháu thấy nước tiểu vàng chứ không trắng ạ?

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, quá trình kích sữa sẽ mất 2-4 tuần để sữa bắt đầu tăng, sau đó sẽ dần dần tăng tiếp, chứ không thể đòi hỏi sữa sẽ tăng ngay trong vài ngày. 2 giờ hút sữa 1 lần thì trung bình 1 ngày mẹ có thể hút 12 lần? Giả sử mẹ hút 10 lần cho dễ tính.

Ban đầu: 20ml x 10 lần = 200ml trong 24 giờ

Sau 4 tuần: 30ml x 10 lần = 300ml trong 24 giờ

Mức độ tăng như vậy là cũng được đó mẹ. Do bé bú mẹ trực tiếp, nên mình rất khó đánh giá là quá trình kích của mình có hiệu quả hay không, vì sẽ có cữ bé bú nhiều, có cữ bé bú ít, điều này ảnh hưởng đến lượng sữa mình hút được. Mẹ hãy xem coi mình có thể giảm được lượng sữa công thức/ hay sữa xin thêm theo thời gian hay không? Ngoài ra, mẹ cần hút sữa đúng cách.

Cách hút sữa đúng:

Không có phương pháp nào có thể rút sữa khỏi ngực mẹ một cách hiệu quả như việc bé bú trực tiếp. Lý do: miệng, lưỡi, hàm trên, hàm dưới của bé tạo ra cơ chế kích thích đầu ti – quầng vú, và tạo ra cơ chế nút, áp lực nút một cách tự nhiên mà việc dùng tay hay dùng máy không thể nào thay thế được.

Chìa khóa để vắt/hút sữa thành công: Kích thích phản xạ xuống sữa. Mẹ sẽ kích thích phản xạ xuống sữa bằng cách dùng chế độ massage của máy (hút nhẹ nhưng nhanh), hoặc dùng ngón tay chụm lại vê quầng vú và đầu ti. Khi phản xạ xuống sữa xảy ra, mình sẽ chuyển chế độ hút.

Cần kích thích xuống sữa trước khi hút và mỗi 4-5 phút trong quá trình hút sữa. Tóm lại, mẹ cần tiếp túc duy trì kích sữa.

Bé bú lâu

Bé bú quá lâu có khả năng là bé bú không hiệu quả, sữa mẹ thiếu nhiều nên sữa xuống chậm, khiến bé bú lâu. Muốn biết bé bú hiệu quả không mình cần quan sát bé có nuốt không. Với trường hợp như thế này, mẹ cần được hướng dẫn cụ thể nếu muốn cho bé ti trực tiếp hoàn toàn. Nếu không mẹ có thể thực hiện việc kích sữa như đang làm. Mẹ lưu ý theo dõi các dấu hiệu bú đủ của con nha.

Hỏi: Chào bác sĩ em cũng không biết như thế nào là đúng khớp ngậm nữa mặc dù em đã xem hướng dẫn của bác sĩ Anh Thy. Em rất lo là bé ngậm sai. Hiện bé được 1 tháng 15 ngày. Xin tư vấn giúp em. Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Các biểu hiện khớp ngậm đúng:

  • Miệng há to, 2 môi bé trề
  • Cằm chạm ngực
  • Mũi hở
  • Bé ngậm quầng vú chứ không chỉ ngậm núm vú. Bé sẽ ngậm quầng vú dưới nhiều hơn quầng vú trên
  • Lưỡi bé le ra, phủ phần nướu dưới của bé.

Cần phải quan sát trực tiếp mới có thể biết bé có ngậm đúng hay không. Nếu mẹ có thể đến gặp trực tiếp Bs.Thy, thì Bs.Thy có thể giúp mẹ điểu chỉnh khớp ngậm nếu chưa ổn.

Hỏi: Xin chào bác sĩ sữa mẹ. Con em được 2.5 tháng, bé không chịu bú mẹ vì đầu ti em hơi ngắn. Em phải hút sữa bằng máy và bỏ bình cho bé bú. Vậy xin hỏi bác sĩ làm cách nào để bé bú mẹ? Em xin cảm ơn

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, tập bé bú mẹ trở lại không đơn giản. Em cần thực hiện các bước sau:

1. Tập cho bé quen với ti mẹ, không sợ ti mẹ. Không được ép, vì ép thì bé càng khóc, và không hợp tác. Mình cho bé nằm trên ngực mẹ mỗi ngày, mỗi ngày nhiều lần (khoảng 10 lần, mỗi lần càng lâu càng tốt).

Em có thể dùng địu để địu bé trước ngực mình, mà phải là ngực trần. Sau 1 vài tuần, từ việc ghét ti mẹ, bé sẽ chuyển qua chịu sờ ti mẹ, rồi sẽ chuyển qua liếm láp ti mẹ, rồi từ từ mới mút ti mẹ. Nếu bé vẫn chịu nút ti mẹ thì mọi việc đơn giản hơn.

2. Song song đó em phải kích sữa để sữa đủ cho bé, như vậy khi bé ti mẹ trở lại, ngực em có sữa. Nếu ngực em không có sữa, rất khó thuyết phục bé ti mẹ. Em hút sữa hoàn toàn thì sẽ hút mỗi ngày 8-12 lần (mỗi 2-3 tiếng). Nếu bé có ti mẹ thì em sẽ hút sữa sau khi bé ti mẹ cạn cả 2 bên.

3. Trong quá trình này, em không cho bú bình, mà sẽ cho bé bú sữa mẹ bằng ngón tay (dùng bộ câu sữa – em search trên youtube để xem với từ khóa: finger feeding). Cách bú mẹ bằng ngón tay giúp cho bé có cách nút giống ti mẹ, khác hoàn toàn với nút ti bình.

Quá trình này mất nhiều tuần, chứ không phải vài ngày là có thể tập được, đòi hỏi sự kiên trì của mẹ. Trên thế giới đã nghi nhận nhiều trường hợp mẹ tập ti bé trở lại được. Mẹ nên được người có chuyên môn hướng dẫn, sẽ giúp mẹ có đủ nghị lực và tinh thần để đi đường dài.

Hỏi: Chào Bác sĩ, bác sĩ cho cháu hỏi cháu sinh em bé được 03 tháng mà hiện tại cháu một bên hình như mất sữa. Nếu dùng máy hút 1 bên được 20ml một bên được 100ml. Giờ cháu phải làm sao?

Tổng hợp những tư vấn về sữa mẹ và các vấn đề khi cho con bú mẹ

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, mình có thể cho bé bú bên đó nhiều hơn, hoặc hút sữa bên đó nhiều hơn. Tuy nhiên cần suy nghĩ xem có cần thiết phải như vậy hay không? Nếu mẹ đủ sữa, thì không cần phải kích, kích sữa rất tốn thời gian và tốn sức.

Ngực to ngực nhỏ thì khi cai sữa, nó về lại bình thường à, không ai nhận ra. Nếu bây giờ mình sợ người ta nhìn thấy, thì mình măc áo lót có độn ngực bên đó, mà hầu như không ai nhìn chằm chằm vào cái ngực của em đâu.

Hỏi: Em xin chào bác sĩ Anh Thy! Bé gái nhà em nay đã 3 tháng, chỉ số cân nặng 5,3kg, chiều cao 59cm (lúc sinh 3,4kg). Bé bú mẹ hoàn toàn. Với chỉ số như vậy bé có thuộc dạng suy dinh dưỡng không? Bé rất lười bú 5-6h/lần, do vậy sữa mẹ càng ít dần.

Nên 10 ngày nay em hút sữa ra và cho bé bú ti mẹ với bộ câu sữa, mỗi lần bú được 100ml, ngày được 4-5 lần (400ml-500ml). Xin Bác Sĩ tư vấn giúp em về tình trạng cân nặng của bé và cách cải thiện vì nhìn bé hơi nhỏ. Em xin chân thành cảm ơn bác sĩ Anh Thy và mong được phúc đáp của Bác sĩ.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, bé tăng ký có ổn hay không thì không thể chỉ lấy con số của 1 tháng ra đánh giá. Mình cần đánh giá sự phát triển của con từ lúc mới sinh đến nay. Cần có số đo cân nặng và chiều dài từng tháng của bé và biết giới tính của bé.

Không biết khi bé ti mẹ trực tiếp thì bé có bú hết 1 bên trong 1 cữ không? Bé cần bú cạn 1 bên rồi mới đổi bên, nếu bú không hết 1 bên trong 1 cữ thì cữ sau bú lại bên đó. Việc bú được nhiều sữa sau sẽ giúp bé tăng ký tốt. Hút sữa cũng vậy, cần hút được tối đa lượng sữa trong ngực thì mới có thể hút được nhiều sữa sau. Em kiểm tra lại những điều chị nói nha.

Hỏi: Xin chào. Em muốn hỏi bác sĩ về tình hình của em như sau: em đang có em bé được gần 7 tháng, em cho bé bú mẹ hoàn toàn và mới đi làm 2 tuần nay. Lúc đi làm em hút sữa mang về cho con.

Tuy nhiên, lúc nào ngực bên trái cũng hút ra được nhiều sữa hơn bên phải và cũng nhanh đầy hơn, lúc đâu em sử dụng máy một bên, giờ em đã chuyển sang máy 2 bên. Có cách nào để khắc phục tình trạng này cho 2 bên đều nhau không bác sĩ. Và có phải tới bé thứ 2 thì sữa ít hơn bé đầu là bình thường không.

Vì bé đầu tiên em cũng cho con bú mẹ hoàn toàn nhưng tới bé này thì cảm giác sữa ít hơn. Em cám ơn bác sĩ.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, sữa ở 2 bên ngực có thể không bằng nhau mà. Tay phài tay trái cũng khác nhau mà em. Vần đề là em cần suy nghĩ xem có cần thiết phải kích cho 2 bên đều nhay hay không? Nếu mẹ đủ sữa, thì không cần phải kích, kích sữa rất tốn thời gian và tốn sức.

Ngực to ngực nhỏ thì khi cai sữa, nó về lại bình thường, không ai nhận ra. Nếu bây giờ mình sợ người ta nhìn thấy, thì mình măc áo lót có độn ngực bên đó, mà hầu như không ai nhìn chằm chằm vào cái ngực của em đâu.

Lịch hút sữa khi đi làm

Lý tưởng

Các mẹ có thể theo lịch hút sữa dưới đây. Đây chỉ là lịch tham khảo, để các mẹ hiểu rằng, các cữ hút nên cách nhau khoảng 4 tiếng.

Tùy theo sinh hoạt cụ thể mà lịch hút có thể thay đổi 1 cách linh hoạt. Nếu mẹ biết chắc 4 tiếng sau là tới giờ họp, mẹ có thể hút sớm hơn để tránh giờ họp.

  • 6h: cho bú và hút sữa ở nhà
  • 10h: hút sữa ở cơ quan
  • 14h: hút sữa ở cơ quan
  • 18h: đã có mặt ở nhà để con bú

Những mẹ không hút sữa trong giờ hành chính được:

Lịch ở trên là không thể thực hiện được! Vậy mình sẽ áp dụng xen kẽ cách hút ngắn – hút dài.

Hút ngắn nghĩa là mẹ tranh thủ vào toa lét vắt/hút bỏ, chỉ cần 5-10 phút mà thôi. Lý do: sữa càng ứ trong ngực nhiều thì cơ thể sẽ hiểu là dư sữa, lúc đó cơ thể sẽ tự giảm sản xuất sữa. Mẹ chấp nhận vắt bỏ (hay giữ lại tùy mẹ) những cữ hút ngắn, sẽ giúp ngực được làm trống bớt, như vậy hạn chế việc giảm sữa.

Cách này tuy không đảm bảo duy trì 100% lượng sữa như ban đầu nhưng ít ra nó sẽ giúp mẹ duy trì sữa mẹ được 60 hay 80% chứ không phải bị tụt xuống trầm trọng. Khi về nhà mẹ có thể hút nhiều hơn một chút nếu có thời gian, không thì duy trì sinh hoạt bình thường. Vào những ngày nghỉ cuối tuần, tích cực cho con bú nhiều hay vắt nhiều hơn 1 tí. Nhiều mẹ theo hướng dẫn này vẫn có thể duy trì sữa cho con.

  • Cữ 1: 6:00 hay 6:30 hút hoặc bú, tùy giờ đi làm
  • Cữ 2: 10:00 cử ngắn (5-10p)
  • Cữ 3: 12:00, lúc nghỉ trưa hút hoặc bú
  • Cữ 4: 15:00, cữ ngắn (5-10p)
  • Cữ 5: 17:00 hay 18:00 hút hoặc bú
  • Cữ 6: 21:00 hút hoặc bú
  • Cữ 7: trước khi ngủ, nếu có hút hoặc bú

Nếu sữa em hiện giảm, không đủ cho con, em cần tăng số lần hút sữa. Nếu không hút nhiều ở cơ quan, về nhà có thể hút thêm xen kẽ với các cữ bú của con hoặc hút sau khi con bú. Nên nhớ kích sữa sẽ mất 2-4 tuần, nên không nóng vội nha mẹ.

Hỏi: Chuyên gia cho em hỏi với ah, em sinh xong tháng đầu rất nhiều sữa, cho con bú xong còn vắt để tủ, 1 ngày dành được khoảng gần 1l, nhưng sang tháng thứ 2 lười vắt sữa, bây giờ sữa giảm thấy được, chỉ lúc nào ngủ thì sữa mới về nhiều. Bây giờ em phải làm sao để sữa về lại như lúc đầu ah? Em cảm ơn.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Cơ thể người mẹ sẽ điều hòa lượng sữa sao cho vừa đủ nhu cầu của bé. Giai đoạn 1 tháng đầu, sữa mẹ được sản xuất nhiều do chưa biết rõ được nhu cầu của bé. Ngoài ra, do mẹ vắt sữa thêm nên cơ thể sẽ tạo sữa tùy vào việc mẹ hút nhiều hay ít.

Vào khoảng 1 tháng tuổi, nhu cầu của bé sẽ ổn định, lúc này cơ thể sẽ giảm dần sữa để lượng sữa mẹ sản xuất ra vứa đủ với bé, không để dư.

Vì sao quá nhiều sữa không tốt? Lý do, khi nhiều sữa quá:

  • Dư thừa là phí phạm
  • Dễ tắc tia
  • Bé thường bú sữa đầu đã no, không bú được nhiều sữa sau, lâu dần có thể dẫn đến bé tăng cân không tốt.

Lý do sữa giảm là do em hút ít đi. Vấn đề bây giờ là: mình xác định xem có thực sự cần thiết để kích sữa nhiều không? Mình có tính nuôi 1 bé song song nữa hay không? Nếu thực sự thiếu sữa so với nhu cầu của bé, hay em muốn nuôi một bé nữa, em hãy kích sữa.

Kích sữa thì mình sẽ tăng số lần hút sữa lên.Nếu sữa em vẫn đủ, em không nuôi thêm bé nào bằng sữa mẹ, thì không cần kích thêm. Tuy nhiên, nên cho chị biết thêm lịch hút sữa và cho bú để chị góp ý giúp em nhé.

Hỏi: Em vắt ra để tủ ngăn mát 1-2 ngày. Sau đó dồn lại để vào bịch trữ sữa. Sau đó em bỏ tủ đông. Khoảng 20 ngày em đem xuống rã đông khoảng 2 ngày. Nó còn đông ít đá. Em hâm bằng máy nhưng sao em thử thì sữa có mùi lạ hơn sữa mới vắt ra. Em không biết có nên cho bé bú không. Em cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ sữa mẹ Lê Ngọc Anh Thy

Chào mẹ, sữa trữ để tủ lạnh sẽ có mùi xà phòng, thường thì sữa sau rã đông có mùi “nặng” hơn sữa để ngăn mát. Lý do: men lipase trong sữa mẹ bẻ gãy chất béo thành các axit béo. Ở bé bú trực tiếp, quá trình này thường xảy ra sau khi sữa vào hệ tiêu hóa của bé, mục đích hỗ trợ bé tiêu hóa tốt sữa mẹ.

Vì vậy, nó hoàn toàn không có hại gì với các bé, nhưng có một số bé sẽ từ chối. Nếu bé vẫn chịu bú thì mẹ cứ cho bú. Nhiều bé vẫn chấp nhận “mùi” này. Nếu bé không chịu bú, me có thể thực hiện như sau:

1. Trộn lẫn sữa đã rã đông với sữa chưa cấp đông theo tỉ lệ 1:1 để bớt mùi rồi cho bé bú.

2. Bé nào vẫn không hợp tác thì tăng tỉ lệ sữa mới vắt nhiều hơn nữa. Khi bé quen, mẹ giảm bớt tỉ lệ sữa mới vắt dần.

3. Nếu bé vẫn không hợp tác thì khử mùi trước cấp đông:

– Sau khi hút sữa ra, mẹ sẽ đun lửa thật nhỏ trên bếp. Khi sữa bắt đầu nổi bong bóng ở rìa thì tắt bếp để nguội rồi đem cấp đông như thường, tuyệt đối không để sữa sôi, sẽ mất hết chất. Cách này giúp giảm mùi rõ rệt. Tuy nhiên nó vẫn mất 1 số kháng thể, nhưng không mất hết.

– Cho bú sữa khử mùi cách này vẫn đủ chất cho bé phát triển, vẫn tốt hơn so với bú sữa công thức (sữa công thức thì hoàn toàn không có kháng thể rồi).

– Sữa đã có mùi rồi thì không cách nào khử mùi được nữa.

Khuyến cáo: Nếu không cần thiết thì hãy hút sữa để ngăn mát và cho con dùng sữa ở ngăn mát, khỏi cấp đông.

Theo victoriavn

(Trích phần tư vấn trực tuyến của bác sĩ Lê Ngọc Anh Thy, chuyên viên tư vấn sữa mẹ quốc tế, phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare)

Tags: cách hút sữa đúng cách, chăm sóc trẻ, dấu hiệu bú đủ ở trẻ, mang thai, sinh con,

Tính ngày trứng rụng

Vui lòng chọn ngày bắt đầu(*)

Vui lòng chọn chu kỳ(*)

Được quan tâm nhất

Gọi sữa về nhanh chóng với 10 mẹo vô cùng đơn giản

Gọi sữa về nhanh chóng với 10 mẹo vô cùng đơn giản

Các mẹ đang rất lo lắng khi lần đầu...
Chế độ ăn của vợ và chồng giúp sinh con trai chuẩn nhất

Chế độ ăn của vợ và chồng giúp sinh con trai chuẩn nhất

1. Cách tính thực đơn dinh dưỡng sinh con...
Trẻ sơ sinh bị ghèn vàng ở mắt phải làm sao?

Trẻ sơ sinh bị ghèn vàng ở mắt phải làm sao?

Trẻ sơ sinh sinh ra thường bị ghèn vàng...

Hãy nhấn ĐĂNG KÝ để bạn có thể cập nhật tin mới thường xuyên hơn nhé

Vui lòng chọn ngày sinh (*)

Vui lòng điền email (*)

Con bạn có bị
suy dinh dưỡng không?

Vui lòng chọn ngày sinh(*)

Vui lòng chọn giới tính(*)

Vui lòng nhập nhập chiều cao(*)

Vui lòng chọn nhập cân nặng(*)

Những lý do nên nuôi con bằng sữa mẹ

2841
Nhiều người quan niệm rằng, sữa bột sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ. Bởi sữa bột được sản xuất theo công thức và được...

Gọi sữa về nhanh chóng với 10 mẹo vô cùng đơn giản

126286
Các mẹ đang rất lo lắng khi lần đầu làm mẹ, không biết phải chăm con thế nào, ẵm con ra sao và đặc biệt là những mẹ thiếu...

Mất sữa và 8 loại thực phẩm nên tránh

3949
Mất sữa hay sữa mẹ ít dần là trải nghiệm không một bà mẹ cho con bú nào mong muốn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng...

Thực đơn cho mẹ sau sinh bổ dưỡng và lợi sữa

1633
Khi mang thai và sau sinh mẹ vẫn phải cẩn thận trong chế độ ăn uống của mình vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con...