Những chuyện nhỏ nhặt đời thường trước kia chẳng thèm quan tâm thì bây giờ, tôi đưa hết vào “tầm ngắm”, để rồi viện cớ vào đó mà giận hờn hay trách móc. Tôi trở nên “nhạy cảm” với mọi thứ xung quanh. Có lẽ vì thế mà sự “khó tính”, bệnh hay than thở cũng tăng dần lên. Một điều tôi nhận thấy rõ là sự quan tâm dành cho gia đình, bạn bè và người thân đang ít dần đi. Tôi vo tròn trong vỏ ốc, nghĩ về bản thân mình, về con nhiều hơn.
Tôi biết mình ích kỷ, nhưng thật khó thay đổi được trong giai đoạn này. Nhiều lần hứa với bản thân, sẽ dành nhiều hơn sự quan tâm cho chồng và gia đình nhưng lại không thực hiện được. Tôi ỷ lại toàn bộ công việc gia đình cho chồng và mẹ chồng. Về đến nhà là vội lao vào phòng, chờ những cơn nôn ọe ập đến… và sẵn sàng tuôn ra những lời “khó nghe”.
Biết mình xấu là vậy nhưng tôi lại thấy hạnh phúc. Có lẽ, niềm vui làm mẹ đã làm tôi quên tất cả, quên đi những thói xấu, quên đi những cơn nghén, quên đi sự quan tâm dành cho gia đình. Vẫn biết rằng, sự quan tâm của mọi người dành cho bà mẹ mang thai là chưa khi nào thừa. Nhưng chúng tôi luôn cần nhiều hơn sự quan tâm, cảm thông và sẻ chia từ những người xung quanh. Và để đáp lại, thay cho lời cảm ơn của mình, tôi chỉ biết viết ra những lời nhắn nhủ dành cho những người thân yêu của mình…
* Với mẹ chồng: Chắc chắn, bố mẹ rất mừng khi con báo tin vui con đã mang thai. Dù không nói ra nhưng con biết, mẹ mong chờ điều này lâu lắm rồi. Hạnh phúc đến “muộn” làm cho cả gia đình càng trân trọn và giữ gìn hơn. Mẹ không cho con đụng tay đến bất kỳ công việc nhỏ nào trong thời gian này. Con thực sự rất ái ngại khi mẹ “giành” hết việc nhà của con. Hình như, chính sự nhàn rỗi cùng sự “cưng chiều” của bố mẹ, vô tình đã tạo cho con suy nghĩ không thoải mái. Lúc nào con cũng cảm giác như mình là người “bệnh” được chăm sóc đặc biệt. Vì vậy, con hay suy nghĩ lung tung và lo lắng nhiều hơn.
Mẹ lo lắng, săn sóc con từng giấc ngủ, bữa ăn. Nhưng những cơn nghén đã làm con “sợ” tất cả những món ăn ngon mẹ nấu. Mẹ động viên nhưng con cũng không thể tài nào nuốt nổi! Thi thoảng, những cái lắc đầu của mẹ khiến con cảm thấy thật buồn. Con chỉ biết để trong lòng, chứ không thể làm mẹ vui bằng cách ăn hết những món đó được. Con muốn nói với mẹ một điều rằng, con cảm ơn thật nhiều sự quan tâm, chăm sóc của mẹ dành cho con và sẽ tuyệt vời hơn nếu mẹ hiểu để cảm thông và chia sẻ cùng con bởi vì mẹ cũng đã từng mang thai như vậy…
* Với chồng: Em biết, anh yêu thương, quan tâm, chăm sóc vợ thật nhiều nhưng đôi khi, những câu nói vô tình của anh làm em chạnh lòng. Như mới hôm qua, khi vợ hỏi: “Sao em nghén nhiều vậy anh nhỉ?” thì thay bằng sự động viên, anh lại nói: “Em nghén thế chưa là gì. “Cô bé” ở cơ quan anh còn “dã man” hơn vì “canh” nhà vệ sinh suốt ngày. Mang thai ai chẳng thế…”. Rồi chuyện ăn uống, em không ăn được anh cũng “nhăn nhó”. Cứ tối đến, em thấy rất khó chịu vì anh cứ ôm lấy máy tính chơi điện tử.
Anh có biết là thời gian này, em cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia từ chồng. Hơn ai hết, vợ biết mình thay đổi khá nhiều, nhất là về hình thức. Nhưng vì rất mỏi mệt nên em không thể quan tâm chau chuốt như trước được nữa. Vậy mà anh cứ hồn nhiên, chẳng biết là bong đùa hay “chê bai” nữa, nào là “trông em như bà già”, “nhìn em hốc hác quá”… Em biết, anh đã làm rất nhiều việc cho em, cho con, em cũng chưa khi nào hết yêu và cảm ơn anh nhưng thực lòng, em chẳng thích nghe những câu nói đó của anh chút nào cả.
Thời gian này, em dành nhiều sự quan tâm cho em bé trong bụng hơn nên đôi khi, có thể “quên” mất anh. Em nghĩ rằng, anh biết điều đó để càng yêu em hơn. Mọi khó khăn chẳng là gì với niềm hạnh phúc chúng mình đang có, phải không anh?
* Với đồng nghiệp: Tôi muốn gửi lời cảm ơn đầu tiên dành cho những đồng nghiệp bởi họ là những người phải chứng kiến và “chịu đựng” nhiều nhất một bà bầu đang mang thai nghén như tôi. Nếu không cảm thông thì có lẽ, chẳng ai có thể chấp nhận việc cứ khoảng 30 phút, tôi lại “lên cơn” nôn oẹ khiến mọi người xung quanh cũng phải “xanh mặt”. Cũng vì tôi, không ít người đã phải hạn chế những thói quen và sở thích thường nhật của mình. Chẳng hạn như, có một chị rất thích uống cà phê. Sợ tôi nôn ói nhiều hơn nên chị luôn “rình” lúc nào tôi không có mặt ở phòng mới dám uống… Chỉ cần những điều giản đơn hay những hành động nhỏ nhặt ấy cũng làm tôi vô cùng cảm động.
Chưa kể, họ luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chia sẻ niềm vui và những nỗi niềm cùng tôi. Có lẽ, còn khá nhiều thời gian nữa tôi sẽ còn “làm phiền” các anh chị trong một thời gian dài nữa bởi khi thai càng lớn, tôi càng mệt hơn và chắc còn nhiều sự “đổi thay” nữa mà tôi chưa đoán trước được. Có thể, tôi sẽ khó và xấu tính hơn, thất thường nhiều hơn, làm việc kém hơn… Chính vì vậy, tôi càng thấy mình cần nhiều hơn sự cảm thông và sẻ chia từ mọi người. Cho tới bây giờ, tôi luôn cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc vì ngoài gia đình, bên cạnh tôi còn có những đồng nghiệp tốt.
* Với sếp: Trước kia, tôi từng ủng hộ quan điểm với nhiều người, rằng làm việc với sếp là nam giới sẽ “dễ chịu” hơn sếp là nữ giới bởi sự quyết đoán và cương quyết. Trong công việc, bao giờ đàn ông chẳng hơn phụ nữ? Tuy nhiên, không phải tất cả các sếp nam đều giỏi dang và mọi các sếp nữ đều thiếu sự quyết đoán. Giờ đây, khi làm “nghĩa vụ” của người phụ nữ, tôi mới thấy mình may mắn vì cấp trên của mình cũng là phụ nữ. Sếp cũng từng trải qua các cung bậc 9 tháng 10 ngày mang thai, nên hiểu và sẻ chia với những bà Bầu như tôi nhiều hơn.
Từ ngày mang thai, hiệu quả công việc của tôi đã giảm sút khá nhiều. Hình như những cơn nghén khiến bà bầu “ngại” làm việc hơn thì phải? Ai chẳng mong có những nhân viên giỏi, làm việc hiệu quả. Dù đã cố gắng nhiều nhưng chắc là việc “đeo ba lô” ngược đã làm cho tôi mệt mỏi hơn và ít nhiều cũng ảnh hưởng tới công việc. Thế nhưng, tôi luôn nhận được niềm tin cũng như sự quan tâm, động viên và sẻ chia từ cấp trên của mình. Tôi thực sự xúc động và thầm cảm ơn những gì sếp dành cho mọi người, nhất là những bà bầu như tôi…
Vui lòng chọn ngày bắt đầu(*)
Vui lòng chọn chu kỳ(*)
Vui lòng chọn ngày sinh(*)
Vui lòng chọn giới tính(*)
Vui lòng nhập nhập chiều cao(*)
Vui lòng chọn nhập cân nặng(*)