2 tuổi, bé Trung (Long Biên, Hà Nội) vẫn chưa biết nói, cũng không tỏ ra tình cảm với bố mẹ, người thân. Ai gọi, hỏi, bé cũng lờ đi không thèm quay lại nhìn. Bé cũng hiếu động một cách thái quá, hay đập phá đồ đạc, đánh, cắn người khác.
Cảm thấy có gì không ổn, chị Hoa mẹ cháu muốn đưa con đến bác sĩ, nhưng cả gia đình phản đối. Mẹ chồng chị bảo: “Bố nó cũng 4 tuổi mới biết nói, có sao đâu. Con trai phải cá tính nghịch ngợm như thằng này thì mới tốt”. Bé Trung ngoài 3 tuổi mới được đưa đến chuyên gia tâm lý và được xác định là tự kỷ.
Những trường hợp tự kỷ được phát hiện muộn như bé Trung rất phổ biến. Theo bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian tốt nhất để điều trị tự kỷ là ở giai đoạn trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi. Quá thời gian này, các biện pháp can thiệp đem lại rất ít hiệu quả.
Do vậy, các bà mẹ cần sớm lưu ý đến những biểu hiện không bình thường của con để đưa đến bác sĩ. Tiến sĩ Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám Tuna (26, ngõ 259/5, phố Vọng, Hà Nội), cho biết, trẻ tự kỷ có những biểu hiện sau:
Khó khăn trong sử dụng ngôn ngữ: Chậm nói (trẻ 16-17 tháng phải nói được các từ đơn), hoặc biết nói sớm nhưng sau đó lại thôi. Trẻ không hiểu lời người khác và cũng không biểu đạt được ý nghĩ của mình nên hay nói những câu, từ vô nghĩa hoặc không ăn nhập với hoàn cảnh. Khi được hỏi, nhiều trẻ không trả lời được mà nhại lại câu hỏi một cách máy móc (chẳng hạn, hỏi “cháu tên gì” thì cũng đáp là “cháu tên gì”).
Khó giao tiếp và tương tác: Không nhìn vào mắt người khác là một triệu chứng điển hình của tự kỷ. Trẻ không giao tiếp, không biểu hiện tình cảm ngay cả với mẹ (không hề bám mẹ).
Những em bé bình thường khi 9-10 tháng tuổi nếu ở cạnh trẻ khác thường có động thái làm quen như cười, chạm vào bạn, xin – cho đồ chơi hay thức ăn; nếu thấy thích thú điều gì thì muốn chia sẻ với người khác (như khoe áo đẹp)… nhưng trẻ tự kỷ không thế.
Khó khăn trong các trò chơi hoạt động, cần sự tưởng tượng: Việc hướng dẫn trẻ tự kỷ biết chơi một trò nào đó thường rất gian nan. Trẻ không biết dùng đồ chơi, chỉ cầm lên đập đập rồi ném, hoặc chơi không đúng chức năng.
Tác phong lặp đi lặp lại: Trẻ tự kỷ rất máy móc, chẳng hạn nếu mẹ dẫn đi nhà trẻ nếu vòng qua một cái cột điện thì lần sau nhất thiết cũng phải đi như vậy. Nếu phải thay đổi, trẻ sẽ phản ứng dữ dội như gào khóc, cắn cấu. Bệnh nhân tự kỷ cũng hay có các hành vi lặp đi lặp lại như vê tay, vặn tay, vặn người, nhón chân…
Ít có khả năng chăm sóc bản thân: Trẻ thường khó khăn trong việc tự phục vụ mình như đi tất, đội mũ, mặc áo, vệ sinh… Cử chỉ, thao tác luôn lóng ngóng, vụng về.
Phần lớn các em bé tự kỷ thường hiếu động thái quá, do không có khả năng hình dung ra sự nguy hiểm nên hay có những hành động “đáng sợ” như trèo lên đứng vắt vẻo trên lan can… Ngược lại, một số ít trẻ có xu hướng thu mình, ít vận động.
Với một số trẻ “thần đồng” như sớm biết làm toán, đọc chữ, nói tiếng Anh…, cha mẹ cũng nên nghĩ đến tự kỷ nếu có các biểu hiện vừa nêu trên. Ở trẻ tự kỷ, những khả năng đặc biệt đó thường tự biến mất sau một thời gian.
Các triệu chứng tự kỷ thường bộc lộ rõ từ 2 tuổi, nhưng thực ra nếu tinh ý, trong nhiều trường hợp, các bà mẹ có thể phát hiện những bất ổn của con mình sớm hơn nhiều, thậm chí trước 1 tuổi, nhất là biểu hiện thờ ơ với mọi người xung quanh, không giao tiếp bằng mắt, không phản ứng khi được gọi hay hỏi chuyện.
Một người mẹ mang con đến phòng khám Tuna cho biết: “Tôi đã thấy cháu không bình thường từ lúc 6-7 tháng, khi chơi với con mà nó không thèm nhìn mẹ, hỏi gì cũng lờ đi, nhưng hễ nghe tiếng quảng cáo trên TV là quay ngoắt lại nghe vô cùng chăm chú”. Nhưng vì không biết đến bệnh tự kỷ, lại hy vọng bé lớn lên sẽ khác nên chị đã không đưa con đi khám sớm.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trẻ bị chẩn đoán và điều trị tự kỷ nhưng lại không mắc bệnh này. Trường hợp bé Bình, 4 tuổi, ở Hà Tây là một ví dụ. Thấy con không thích giao tiếp, hầu như không nhìn vào mắt người đối thoại, gia đình nghĩ bị tự kỷ nên đưa đi khám ở một bệnh viện trung ương. Do bệnh nhân quá đông, bác sĩ không xem xét kỹ và kết luận ngay là bị bệnh này.
Điều trị cùng nhóm trẻ tự kỷ một thời gian, thấy con không khá hơn, mẹ bé Bình đưa con đi khám ở chỗ khác. Các chuyên gia dành thời gian hỏi han, chơi cùng cháu và nhận thấy khi đã quen, Bình vẫn có giao tiếp bằng mắt, có nói chuyện và thể hiện sự thích thú. Cháu được chẩn đoán là rối loạn cảm xúc và điều trị theo hướng này, kết quả rất tốt.
Tương tự, nhiều trường hợp khác được chẩn đoán tự kỷ nhưng thực ra là chậm phát triển tâm thần hoặc tăng động, giảm chú ý. Việc điều trị cho các cháu theo hướng tự kỷ sẽ khiến tình hình tệ thêm, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm thần.
Thực ra, khó xác định chẩn đoán tự kỷ trước 18 tháng tuổi. Và để khẳng định bệnh này, cần làm một số trắc nghiệm với sự tham gia của các chuyên gia về tâm thần học. Tuy nhiên, nếu lưu ý sớm các biểu hiện không bình thường của con và nói với bác sĩ, trẻ sẽ có cơ hội được chẩn đoán và điều trị kịp thời không chỉ tự kỷ mà cả các vấn đề tâm thần khác.
Vui lòng chọn ngày sinh(*)
Vui lòng chọn giới tính(*)
Vui lòng nhập nhập chiều cao(*)
Vui lòng chọn nhập cân nặng(*)