Mỗi lần đi du lịch cùng vợ chồng con trai và con dâu, mẹ chồng chị Diễm Ly ở Malaysia thường tự trả chi phí của bà.
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn là đề tài thu hút sự chú ý của chị em. Sau khi bộ phim Sống chung với mẹ chồng lên sóng, đề tài này lại được hâm nóng trên các diễn đàn mạng xã hội. Làm dâu trong gia đình người Malaysia gốc Hoa đã 7 năm qua, chị Huỳnh Diễm Ly chia sẻ những trải nghiệm sống cùng bố mẹ chồng người nước ngoài và nhiều tình huống gặp phải.
– Chị gặp khó khăn gì khi hòa nhập với cuộc sống của một gia đình đa văn hóa như vậy?
– Tôi về làm dâu gia đình chồng người Malaysia, gốc Hoa, vừa tròn 7 năm. Vợ chồng tôi yêu nhau ba năm mới cưới. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Trước đó, tôi có về thăm nhà anh nhiều lần.
Ba mẹ chồng và các cô, bác trong nhà đều nói tiếng phổ thông. Mấy tháng đầu tiên khá vất vả với tôi mỗi khi muốn diễn đạt ý mình cho ba mẹ hiểu, nhất là những lúc không có chồng hoặc em chồng ở nhà.
– Thời gian đầu về làm dâu, chưa quen với nếp sinh hoạt của nhà chồng, chị gặp những rắc rối gì?
– Ngày mới về, tôi chưa quen nếp sinh hoạt nên khá bối rối. Sáng 5h, ba chồng dậy tập dưỡng sinh, bật đèn sáng choang (5h ở Malaysia là 4h sáng ở Việt Nam). Thấy có người thức, tôi cũng lo dậy vì dâu mới ngại không dám ngủ nướng.
Chồng thấy vợ ngồi chải tóc, cột tóc, mới hỏi: “Sao dậy sớm vậy, không ngủ được hay sao”. Tôi bảo: “Em dậy coi phụ pha trà, nấu đồ ăn sáng”. Ông xã cho biết ba đi tập dưỡng sinh sớm, còn cả nhà 7h mới dậy. Gia đình cũng không có tục pha trà, nấu đồ ăn sáng. Ba chồng tập dưỡng sinh về sẽ mua đồ ăn cho cả nhà.
Nhà chồng và nhiều gia đình người Hoa bên này không biết gặm xương gà hay ăn cá nhỏ có xương. Nhớ lần đó, tôi làm món gỏi gà xé trộn bắp cải. Xé trộn gà xong, xương thịt tôi để hết vào đĩa.
Vừa ngồi vào bàn, tôi thấy ba chồng lấy đĩa khác gắp liền hai phần xương đùi, xương cánh, hai cái chân gà và mấy miếng xương to đem để lại bếp. Tôi thấy lạ và nghĩ chẳng nhẽ ba để dành hồi gặm một mình (cười). Ăn xong thấy ông đem nguyên đĩa xương cho chó ăn.
Thấy khó hiểu, tôi hỏi chồng và ông xã trả lời tỉnh bơ: “Xương là để cho chó ăn mà” (cười). Tôi thích ăn xương không thích thịt nên nhắc chồng lần sau không ăn để cho vợ. Nhiều người Hoa ở Malaysia không biết ăn chân gà, lòng gà, tim, gan, lưỡi và tai lợn nên giá các loại nội tạng này rất rẻ.
Trước khi về làm dâu, chồng tôi có nói qua tính cách từng thành viên trong nhà. Lúc chính thức về sống với nhau, tôi chịu khó quan sát để sớm hoà nhập. Ngày mới yêu, thỉnh thoảng tôi qua thăm anh và để ý, mỗi khi muốn đưa bạn gái đi ăn món gì, đi đâu chơi hay mua quà, anh đều nhắn tin hoặc gọi điện hỏi ý kiến em gái.
Tính tôi lo xa, sợ kiểu ganh ghét của bà cô bên chồng nên nhẹ nhàng góp ý với anh. Ông xã bảo em gái là người hiểu biết và sành điệu, sành ăn lại hiểu tâm lý phụ nữ nên anh nhờ tư vấn để mang lại niềm vui trọn vẹn cho tôi.
– Mẹ chồng chị là người thế nào?
– Mẹ chồng tôi thuộc tuýp phụ nữ của gia đình. Bà rất hiền, sống đơn giản, tiết kiệm, hết lòng vì chồng con. Mẹ chồng luôn quan tâm đến con dâu bằng hành động, thay vì lời nói. Tôi có bầu không lâu sau cưới.
Có lần, hai vợ chồng đi bộ quanh khu nhà, thấy hàng xóm có cây xoài trái xanh lủng lẳng, tôi nhờ xin cho hai trái. Mẹ chồng thấy con dâu cầm xoài hỏi thèm ăn sao không nói để bà mua cho. Chiều con dâu ngủ dậy đã thấy mẹ chồng đưa cho bịch me xí muội. Hành động đó khiến tôi cảm động quá đỗi.
Thời gian tôi mang bầu, ngày nào bà cũng nấu nước mát, nước lá dưỡng thai để sẵn dặn uống. Thỉnh thoảng, bà còn chưng yến cho tôi ăn để em bé khoẻ. Đến giờ, mỗi khi tôi than mệt trong người, bà luôn quan tâm hỏi han, nấu món này món nọ cho ăn.
– Thông thường các nàng dâu thích ở riêng, thay vì sống cùng bố mẹ chồng. Gia đình chị thì sao?
– Tính tôi thẳng nên trước khi về làm dâu đã giao hẹn với chồng: Chỉ ở cùng bố mẹ chồng một năm, sau đó sẽ ra riêng. 6 tháng sau ngày cưới, ông xã giữ lời mua nhà riêng để chuẩn bị chuyển về sau khi tôi sinh.
Mua được nhà rồi tôi lại không muốn ở riêng nữa vì cảm thấy sống cùng ba mẹ chồng quá tiện lại vui. Lúc sinh bé đầu, mẹ ruột tôi sang Malaysia chăm cháu hai tháng. Trước khi về, mẹ bảo: “Ba mẹ chồng con hiền lành, tốt bụng.
Con thiệt là có phước, đừng ra ở riêng tội ông bà nhớ con, nhớ cháu, hơn nữa con không có người phụ giúp sẽ cực”. Thế nên, tôi quyết định ở lại cùng ba mẹ chồng. Thời điểm đó, hàng xóm cần bán nhà nên chúng tôi mua luôn căn kế bên.
Ông xã cho đập vách tường để hai nhà thông nhau. Tiếng là ở cùng ba mẹ chồng nhưng tôi ở nhà mình và nấu cơm ăn chung, sinh hoạt chung với ông bà.
– Mẹ chồng can thiệp gì vào việc chăm sóc con cái của vợ chồng chị?
– Mẹ chồng tôi luôn ủng hộ con dâu. Bà hiền nhưng tính dứt khoát. Bà cùng quan điểm với tôi trong việc dạy dỗ con cái. Các cháu cần phải dạy ngay từ nhỏ, cái nào ba mẹ cho phép mới được đụng tới, còn không là tuyệt đối không.
Ngược lại, ba chồng và chồng tôi cưng chiều các cháu ra mặt, muốn gì là đáp ứng, không cần biết lý do. Ngày nào ba chồng đi làm về cũng mang bánh kẹo, nước ngọt, mua kem cho các cháu. Tôi với mẹ chồng không khuyên can được nên nhiều khi phải mang đồ ăn giấu đi. Ba chồng kiểm tra tủ lạnh thấy hết lại mua về chật tủ.
– Phụ nữ gốc Hoa thường rất tinh tế và đảm đang trong việc bếp núc. Chị học được gì ở bà trong cách quán xuyến gia đình và chăm lo cho chồng con?
– Mẹ chồng không giỏi nấu ăn và chỉ biết nấu các món đơn giản.Tôi thích nấu cơm Việt Nam với các món đa dạng thay đổi mỗi ngày. Bà rất thích như vậy. Món nào tôi nấu, cả nhà chồng đều ủng hộ nhiệt tình.
Bây giờ, ai nấy trong nhà đều nghiện các món Việt. Bữa cơm nào trên bàn cũng có chén nước mắm, thỉnh thoảng có cà pháo, mắm nêm chấm thịt luộc hay rau. Lần tôi đưa mẹ chồng về Việt Nam thăm nhà, bà “phải lòng” luôn món bánh mỳ thịt. Sau này mỗi lần tôi về Việt Nam, bà đều dặn mua bánh mỳ đem qua.
Tôi thường quan tâm mẹ chồng bằng cách để ý bà thích ăn gì. Bà rất yêu các cháu nên mỗi khi cả nhà đi du lịch, tôi đều hỏi mẹ có muốn đi cùng không. Bà luôn trả lời là mẹ đi phụ con chăm các cháu. Mỗi lần đi, bà thường tự trả chi phí.
Có lúc, bà đưa nhiều hơn chi phí phải chi cho một người. Bà bảo còn đi làm nên có lương, khi không đi làm nữa mới phải nhờ các con.
Mẹ chồng tôi luôn bênh vực con dâu, góp ý nhắc nhở con trai nếu thấy anh có vẻ lơ là hay nói chuyện hơi lớn tiếng với vợ. Có lần, ông xã chê vợ nấu món này hơi mặn, còn mẹ chồng không nói gì.
Lúc sau, tôi nghe bà nhắc nhở con trai: “Lần sau nếu vợ nấu ngon, con ăn nhiều một chút, nếu thấy không vừa miệng thì ăn ít đi. Vợ con ở nhà nhiều việc, cũng mệt rồi, chịu nấu ăn cho cả nhà là đã hết lòng. Con chê vợ nấu mặn mà không nghĩ cô ấy sẽ thấy buồn hay sao”.
Theo Hà Phương/Ngôi sao