Mình rất muốn được cùng chia sẻ và trao đổi với mọi người về cách nuôi dạy con. Chính vì vậy dưới đây mình sẽ chia sẻ về cách giúp con tạo các cá tính tốt trong 3 năm đầu tiên của cuộc đời.
Ai cũng hiểu rằng, để có thể hạnh phúc và thành công trong cuộc sống, thì việc giúp con hình thành những cá tính tốt, cũng như khả năng giao tiếp với mọi người là điều rất quan trọng. Khác với suy nghĩ thời các cụ: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, việc định hình cá tính của con cái chủ yếu do chúng học được từ bố mẹ hoặc những người trong gia đình, chứ không hề là yếu tố di truyền hoặc “trời định”. Có nghĩa là: con cái lớn lên ra sao, hầu hết do vai trò dạy dỗ của bố mẹ, và điều này tác động quan trọng nhất trong tương lai của chúng.
Những cá tính tốt như: khả năng giao tiếp và chấp nhận người khác trong các mối quan hệ xã hội, tính ham học hỏi, không bảo thủ, luôn chấp nhận sai lầm và học được những bài học từ đó, khả năng quan sát, tập trung, khả năng sáng tạo, tính kiên trì và quyết tâm, luôn có tham vọng chính đáng, tự lập, chu đáo…, giúp trẻ rất nhiều trong cuộc sống. Ngược lại, các thói quen không tốt như: lười biếng, ỷ lại, không có khả năng thể hiện bản thân và giao tiếp với người khác…, sẽ trở thành lực cản rất lớn đối với trẻ trong tương lai.
Nhưng chỉ nói chung chung vậy thì có vẻ dễ, còn cụ thể phải thực hiện những điều gì, đòi hỏi kỹ năng, tình yêu thương, sự thấu hiểu tâm lý con trẻ, và đặc biệt là sự kiên trì của bố mẹ. Vậy bạn phải làm gì?
1. Khi bé mới sinh cho đến tròn năm:
– Sự tin cậy và nồng ấm được tạo nên trong mấy tháng đầu tiên khi bé được sinh ra. Vì vậy, trong thời gian này, những hành động của bạn ảnh hưởng lớn đến bé. Điều quan trọng nhất: hãy luôn có thái độ lạc quan và thể hiện rõ ràng tình yêu thương, sự chấp nhận (thậm chí là hơi quá lên) trong mọi lúc, mọi nơi khi giao tiếp với bé. Điều đó sẽ giúp bạn định hình cá tính tốt hơn cho trẻ.
– Luôn cười và thể hiện giọng nói nhẹ nhàng nhưng âm độ cao hơn bình thường (để bé dễ nghe) khi có bé ở quanh bạn, vì cười là sự thể hiện của tình yêu thương, sự gắn bó, sự chấp nhận vô điều kiện. Tuyệt dối tránh thể hiện sự cau có, khó chịu, mệt mỏi hoặc dùng nói gằn giọng với bé. Phải luôn cố gắng chuẩn bị tâm lý để có thể thoải mái nhất khi ở bên con.
– Sự ôm ấp và gần gũi, mùi quen thuộc của bạn rất quan trọng với trẻ, tạo cho chúng sự an tâm và cảm giác an toàn.
– Động viên, khen ngợi, thể hiện sự cho phép và hài lòng đối với những việc bé làm tốt, gọi tên bé và thường xuyên nói “mẹ (bố) yêu con”.
– Luôn luôn đáp ứng những yêu cầu chính đáng của bé, nhưng đòi hỏi được quan tâm. Nếu bạn không thực hiện điều này, bé sẽ coi rằng bé không quan trọng trong con mắt của bạn – và dần dần, bé không thể hiện yêu cầu nữa.
– Không nên thể hiện sự tiêu cực trong thái độ. Nếu bé có những hành động mà bạn cho là không phù hợp, hoặc bị cấm, hãy dùng cách “đánh lạc hướng”, để làm bé quên đi. Mặt khác, khi cần giữ kỷ luật, luôn có giọng nói và thái độ nhẹ nhàng nhưng kiên quyết.
2. Khi bé từ 1-3 tuổi:
– Luôn hợp tác và linh động trong mọi tình huống liên quan đến bé. Không ép buộc, không phê phán và “dạy bảo” theo cách bắt bé phải làm theo ý bạn, không bao giờ được tỏ ra mất lịch sự khi có bé ở đó. Không bao giờ được làm cho bé cảm thấy sợ bạn.
– Hãy dạy bé sự kiên trì bằng sự chấp nhận hợp lý. Không bao giờ làm cho bé thấy bị sỉ nhục, bị xấu hổ, không kích động sự ghen tức bằng cách so sánh bé với bất kỳ ai khác.
– Hãy chấp nhận bé và những gì bé có, như một cá nhân đặc biệt – bé sẽ học cách yêu thương từ cảm giác bình yên và hạnh phúc của việc được chấp nhận.
– Nếu bạn khen đúng lúc, đúng chỗ và đúng mức độ – bé sẽ học được bài học để thể hiện lòng biết ơn. Nếu bạn tỏ ra hài lòng với bất cứ sự cố gắng hoặc việc tốt nào bé làm được (dù là rất nhỏ), bé sẽ học được cách tự yêu thương và quý trọng bản thân. Nếu bạn nhận ra sự cố gắng và động viên đúng lúc – bé sẽ đặt mục tiêu cho bản thân. Nếu bạn công bằng – bé sẽ đánh giá cao “quyền lực” mạnh mẽ của hai từ công bằng. Nếu bạn trung thực – bé sẽ học được cách sống chân thật và chân thành. Nếu bạn luôn tạo cho bé cảm giác an toàn và yên ổn – lòng tin vào bản thân và mọi người sẽ lớn dần trong bé.
– Hãy dạy con cách giải quyết vấn đề bằng cách chấp nhận quyêt định của bé một cách dễ dàng, giải thích cho bé nguyên nhân và hậu quả, những khó khăn và thuận lợi khi bé quyết định như vậy. Cố gắng không bao giờ tạo mâu thuẫn đề rồi đẩy con vào thế đối đầu: hãy bắt đầu bàn bạc với bé về quyết định của bé. Từ đó bạn sẽ giúp định hình cá tính tự lập cho trẻ.
– Dạy bé về tinh thần trách nhiệm bằng cách giao cho bé các công việc vừa sức và giúp đỡ, động viên hoặc cùng với bé hoàn thành việc được giao, không bỏ dở giữa chừng.
– Hãy để cho bé có đủ thời gian yên tĩnh để tập trung làm việc bé muốn, không quấy rầy, không đòi hỏi bé làm theo ý bạn – nhưng hãy sẵn sàng giúp nếu bé yêu cầu.
– Luôn dùng cách “đánh trống lảng”, gợi sự chú ý của bé sang các đề tài bé yêu thích, nếu bé cảm thấy bất an.
– Hãy dành thời gian chơi với bé, bất cứ trò chơi nào. Cái bé cần là những khoảng thời gian bố (mẹ) toàn tâm toàn ý dành cho bé. Luôn tỏ ra thông cảm, yêu thương, chia sẻ khi bé gặp khó khăn hoặc bị đau.
– Hãy khuyến khích bé đối xử rộng rãi với mọi người. Vì bé yêu bạn, hãy dạy bé cách chia sẻ, trước tiên là với bạn và các thành viên trong gia đình: ví dụ: chia cho bạn nửa miếng chocolate bé đang ăn, phần bánh bé yêu thích.
– Nếu bé là con một: hãy dành thời gian của bạn vào những việc khác nữa, không cho phép bé “sở hữu” và đòi hỏi mọi thứ bé thích, mọi sự chú ý của các thành viên trong gia đình. Rất lưu ý điều này – nếu bạn không muốn sau này bé thành người ích kỷ
– Hoàn thành được những việc mình muốn có tác dụng rất tích cực lên sự phát triển cá tính. Vì vậy, hãy giúp bé thành công từ những việc nhỏ nhất, điều này sẽ là động lực lớn giúp bé cảm thấy hài lòng và tự hào về giá trị bản thân.
– Hãy giúp và cùng với bé tìm tòi và chấp nhận các thử thách hợp với lứa tuổi – đặc biệt là những thử thách sẽ dạy cho bé sự tự lập, lòng can đảm, sự tự tin, tinh thần trách nhiệm với bản thân và với người khác.
– Dạy bé biết cách xin lỗi đúng lúc
– Dạy bé cách chấp nhận hoàn cảnh một cách hợp lý, thái độ trách nhiệm song song với cảm nhận về các niềm vui và hạnh phúc của cuộc sống.
– Hãy hiểu những nỗi sợ hãi của trẻ như: sợ bóng tối, sợ mẹ đi vắng rồi không về…Hãy nói chuyện với bé về những nỗi sợ hãi, và tác hại của nó. Hãy thực hiện đúng lời hứa (ví dụ về với bé đúng giờ), để dần dần giúp bé giảm đi cảm giác sợ hãi. Không bao giờ được chế diễu, bỡn cợt hoặc mắng bé vì những nỗi sợ trẻ thơ, ai cũng một thời trải qua.
Từ những cách định hình cá tính cho trẻ đó hy vọng bạn sẽ đưa ra được phương pháp tốt hơn giúp trẻ định hình cá tính của mình ngay từ những năm đầu đời.
_ST_
Vui lòng chọn ngày sinh(*)
Vui lòng chọn giới tính(*)
Vui lòng nhập nhập chiều cao(*)
Vui lòng chọn nhập cân nặng(*)