Thường nghe câu nói: “Con không chê mẹ xấu, chó không chê chủ nghèo”. Nhưng hiện nay, rất nhiều người từ nông thôn lên thành phố lập nghiệp lại quên mất cội rễ của mình, quên mất cha mẹ của mình. Liệu có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng: Lương tâm của mình có còn không?
Đám đồng nghiệp trong văn phòng tôi làm việc chỉ vào tờ báo rồi bàn tán xôn xao: “Trên đời này hạng người thất đức nào cũng có cả. Bà lão này đã ở trong bệnh viện cả một tuần rồi, ấy vậy mà không thấy người thân họ hàng nào lộ diện, lương tâm chắc bị thú tha đi mất rồi”.
Có người nói: “Không chừng là một bà lão neo đơn không có con cháu gì, nếu không, đêm khuya như vậy, trời lại đổ tuyết lớn như thế, bà cụ một mình đứng ở bên đường làm gì cơ chứ?”.
Trong lòng tôi cảm thấy không yên, cái đinh kẹp giấy đâm trúng tay, cùng lúc chuông điện thoại reo lên không ngừng. Tay tôi run run cầm điện thoại lên, là vợ tôi Hồng Lệ gọi đến, hỏi tôi có về nhà ăn cơm hay không.
Tôi như tìm được cái cớ để phát tiết: “Ăn, ăn, ăn! Tối ngày chỉ biết đến ăn”. Nói xong, tôi liền quăng chiếc điện thoại xuống ghế. Đợi mọi người trong văn phòng đều đi hết, tôi đứng ở bên cửa sổ, ngoài trời tuyết trắng lả tả tung bay.
Quay ngược lại 26 năm về trước. Hôm đó tuyết rơi rất lớn, tôi nằm trên giường lò nóng hổi trong nhà, nhìn mẹ may áo bông, trong khi bố tôi đi vào trong rừng đã lâu mà vẫn chưa về. Trời đã tối mịt, bố tôi vẫn chưa về. Mẹ đứng ngồi không yên, nói: “Thiên Bảo, con hãy ở nhà trông chừng em, mẹ đi ra đầu làng xem bố con về hay chưa”.
Mẹ đã đi rất lâu, em gái tôi đã ngủ say, tôi sợ hãi không dám chợp mắt. Mẹ được người ta khiêng về, trên người vẫn còn dính đầy tuyết. Mẹ ôm chặt tôi vào lòng, khóc ào lên, nói: “Thiên Bảo, từ nay con sẽ là trụ cột trong nhà chúng ta. Bố con bị cây đè phải, đã ra đi mà chẳng kịp trăn trối điều gì”. Năm đó, tôi 8 tuổi, em gái 6 tuổi, còn mẹ chỉ mới khoảng 30.
Tiếng chuông điện thoại reo lên rồi lại tắt, tắt rồi lại reo giống như tiếng thủy triều dâng. Tôi nhất quyết khóa máy điện thoại, hít một hơi thật sâu không khí lạnh. Người đã tỉnh táo hơn rất nhiều.
Trên đường tôi mua một tờ báo buổi chiều, trang đầu đăng tiền viện phí của bà lão vô danh đã lên đến hàng trăm triệu. Bà ấy vẫn đang hôn mê, nếu như không có người thân nào đến đánh thức, có lẽ bà ấy sẽ không bao giờ có cơ hội tỉnh lại nữa.
Tôi cất những bước chân nặng nề trên đường phố, ánh sáng lung linh tràn ngập khắp con đường. Tôi cũng giống như rất nhiều người trong thành phố này, người mặc đồ tây, chân đi giày da, trên người mặc toàn đồ hiệu đắt tiền, đâu đâu cũng thể hiện vẻ cao sang quyền quý của dân thành thị. Liệu đây có phải là cuộc sống mà tuổi thơ tôi vẫn hằng mong ước hay không?
Trong tòa chung cư là căn hộ của tôi, trong ngân hàng cũng có hàng tỉ đồng tiền cho vay để mua nhà. Tôi là giám đốc bộ phận trong cơ quan, nhưng lúc nào cũng phải sống nhờ vào hơi thở của người khác.
Tôi có một người vợ xinh đẹp, cô ấy không ngừng uốn nắn thói quen đã dưỡng thành sau hơn hai mươi năm sống ở vùng quê hẻo lánh của tôi.
Tôi nhanh chân bước đến bệnh viện. Bên ngoài hành lang, dòng người đi đi lại lại không ít. Bên kia tấm kiếng, tôi nhìn thấy mẹ giống như chiếc lá rụng nằm im ở đó không động đậy. Tôi rất muốn chạy vô ôm chầm lấy mẹ vào lòng, nói với mẹ: “Thiên Bảo đã đến rồi, chúng ta hãy về nhà thôi”.
Một cô y tá bước đến hỏi tôi: “Cho hỏi, anh kiếm ai vậy?”. Tôi vội vàng lấy tay vuốt vuốt mặt một cái, nói: “Không có, tôi chỉ nhìn đại mà thôi”. Cô y tá ra vẻ nghi ngờ: “Có phải anh là thân nhân của bà cụ vô danh này hay không?”.
Tôi quay người, mau chóng cất bước rời khỏi bệnh viện giống như kẻ trốn chạy. Đúng vậy, tôi lại một lần chạy trốn khỏi bà, cũng giống như lúc còn nhỏ, mỗi khi mẹ giơ cây chổi lông gà đánh tôi, tôi đều luôn có thể nhanh chân bỏ chạy.
Mẹ lên rừng đốn củi, ra đồng cắt cỏ giống như đàn ông vậy. Đây vẫn không phải là gian nan nhất, trước cửa nhà quả phụ luôn có những lời thị phi không hay.
Sau khi bố tôi qua đời không được bao lâu, những lời đồn đại thị phi liên quan đến mẹ bắt đầu lan ra. Mấy bạn học trong trường chỉ vào mặt tôi giễu cợt rằng: “Mẹ mày là thứ đàn bà hư hỏng”.
Tôi liền lao đến, quật ngã những ai nói lời lăng nhục mẹ. Áo quần tôi cũng bị rách bươm, trên mặt trên người cũng bị đánh đến thương tích khắp mình. Tôi bỏ học tiết sau, một mình lủi thủi trong khu rừng. Lúc đó tôi nghĩ: “Lớn lên rồi, mình nhất định sẽ để mẹ hưởng phúc, để mẹ ngày ngày ngồi trên giường, không phải làm gì cả”.
Không biết vì sao tôi lại nằm trên đống cỏ bên cạnh gốc cây mà ngủ thiếp đi. Tiếng gọi từ xa vọng đến khiến tôi giật mình tỉnh giấc, thì ra trời đã tối rồi, những vì sao đã nhấp nháy trên bầu trời. Tôi lấy tay dụi dụi mắt, lớn tiếng khóc òa lên. Sau khi nhìn thấy tôi, mẹ chạy đến kéo tôi lên và tát tôi hai cái.
Về đến nhà, mẹ sầm mặt kiếm quần áo, pha nước nóng tắm rửa cho tôi. Tôi cởi áo ra, mẹ nhìn thấy trên người tôi chỗ thì bị thâm, chỗ thì bị bầm, lập tức hốt hoảng, hỏi tôi là chuyện thế nào.
Tôi nói là mình bị ngã, mẹ không tin, nói nếu tôi không chịu nói thật, mẹ sẽ không cần tôi nữa. Hết cách, tôi đành phải đem chuyện xảy ra trong trường lúc sáng nói hết ra. Mẹ im lặng không nói gì.
Hôm sau mẹ đưa tôi đi học, đến văn phòng của trường làm ầm lên. Mẹ nói: “Cả đời này, tôi cũng không còn gì để trông chờ nữa, ai dám động đến Thiên Bảo và Tuyết Vân nhà tôi, tôi sẽ liều mạng với người đó”.
Sau khi mẹ đi khỏi, thầy cô trong trường xì xầm bàn tán với nhau: Vương Lệ Bình trước nay vốn rất dịu dàng ít nói, không biết sao bây giờ lại đanh đá đến vậy?
Mẹ đã trở thành người ghê gớm nhất làng, ngang ngược không nói lý, thích chiếm tiện nghi. Mẹ vốn không có họ hàng thân thích ở làng. Bà rất cô đơn, những lúc làm xong việc, thì một mình ngồi ở giữa sân ngây người ra đó.
Những lúc tôi và em gái không bận việc gì, mẹ liền kể với chúng tôi về người cha đã mất, nói ông ấy lúc đầu đã theo đuổi bà thế nào, nói ông ấy đã từng hứa sẽ cùng bà đi hết cuộc đời này.
Mẹ nói: “Người bố chết toi của tụi mày, đợi sau khi tao chết rồi, tao quyết không bỏ qua cho ông ta”. Em gái nói: “Người cũng đã chết rồi, dù không muốn bỏ qua thì còn có thể làm gì nữa chứ”.
Mẹ im lặng, sau một lúc sau mới nói: “Các con hãy nghe mẹ nói đây, nửa đời sau của mẹ toàn bộ chỉ trông chờ vào hai anh em con. Nếu như các con cũng giống như người bố vô lương tâm đó, dù mẹ có chết cũng không nhắm mắt”.
Tôi và em gái lên trung học, mẹ chia số tiền thành hai phần để chi tiêu. Bà nói: “Hai con hãy cố gắng học hành cho tốt, thi đậu được đến đâu mẹ sẽ chu cấp cho các con đến đó. Dù cho có phải đập nồi bán lấy tiền, mẹ cũng phải cung ứng tiền cho cho hai con ăn học”.
Năm tôi thi vào trường đại học, chân của mẹ đau nhức dữ dội, mẹ không ngừng cầu khẩn ông trời đừng để bà phải nằm liệt giường, bà còn muốn sau này dẫn cháu vào trong rừng hái nấm nữa!
Tôi nói tôi không học đại học nữa, mẹ liền với tay cho tôi một bạt tai, bà trách mắng sao tôi có thể có ý nghĩ như vậy, nếu nghỉ học còn có thể có tương lai nữa hay không?
Tôi đã lên đại học, em gái học phổ thông năm hai, lòng thấy thương bà dù có đánh mắng thế nào cũng không chịu đi học. Vì chuyện này, mẹ mỗi lần nhắc đến liền trách mắng con gái thật không ra gì.
Tôi về đến nhà, đã hơn 10 giờ tối. Hồng Lệ vẫn còn chưa ngủ, hâm nóng đồ ăn bưng lên cho tôi. Tôi mở một chai rượu, đưa thẳng lên miệng uống ừng ực hết cả nửa chai.
Hồng Lệ nói: “Em biết trong lòng anh không dễ chịu gì, nhưng mọi chuyện đã đến bước này rồi, anh thử nghĩ xem, nếu anh đi nhận bà ấy, hàng trăm triệu tiền viện phí đó không nói, chỉ nói chuyện anh bị vạch trần trước công chúng, công việc cán bộ nhà nước này của của anh cũng đừng mong làm tiếp nữa…”
Tôi ném chai rượu trong tay xuống sàn, lớn tiếng hét lên: “Đúng vậy, tiền bạc, công việc, mặt mũi, cái nào cũng đều quan trọng hơn mẹ mình. Bà ấy đã sắp chết rồi, là một gánh nặng, hãy để cho bà ấy tự sinh tự diệt, có đúng thế không?”.
Bảo Lâm – con trai chúng tôi, nghe thấy tiếng chúng tôi cãi nhau, chân không đứng ở trước cửa phòng ngủ. Tôi quát: “Mày cút về phòng cho tao, nuôi con với cái nào có ích gì, lương tâm đều đã bị chó gặm mất rồi”. Hồng Lệ nói: “Anh điên rồi à, sao lại nổi đóa với con như thế?”.
Tôi đã điên thật rồi. Tôi ngay đến cả mẹ ruột của mình cũng đều không nhận, để cho bà trơ trọi một mình nằm trong bệnh viện, tôi có thể không điên được sao?
Cả đêm tôi không sao ngủ được, đầu thuốc lá vứt thành một đống ở trước mặt. Tiếng chuông điện thoại reo lên, là Tuyết Vân, em gái tôi gọi đến. Tuyết Vân nói: “Anh à, em tối qua mí mắt cứ nháy liên hồi, trong đêm mơ thấy mẹ chúng ta, mẹ nắm lấy tay em, không nói câu nào cả, chỉ thấy mẹ khóc thôi. Anh ơi, không biết liệu mẹ có gặp phải chuyện gì hay không?”
Tôi cười nhạt hai tiếng, nói: “Mẹ chúng ta không có chuyện gì đâu, em đừng lo lắng quá”. Em gái nói: “Anh à, hay là anh cứ để cho mẹ về đi, giường nệm thành phố mẹ nằm không quen, chân của mẹ bị phong thấp khá nặng, năm anh đi học, mỗi lần cắt cỏ mẹ đều là quỳ xuống bò lết trên mặt đất. Hai năm này, trí nhớ của mẹ cũng đã kém đi…”
Em gái nói tiếp: “Anh à, có mấy lời, có lẽ em không nên nói ra, hôm đó chị dâu gọi điện đến kể lể những điều không phải về mẹ. Mẹ đúng thật là có chỗ không tốt, nhưng dù sao đó cũng là mẹ chúng ta.
Nhớ hai năm sau khi anh lên thành phố học đại học, quê nhà chúng ta gặp phải thiên tai, mùa màng bị tổn hại, quanh năm suốt tháng không có kiếm được đồng nào không nói, còn gánh thêm khoản tiền vay vốn làm ăn. Mẹ như sắp điên lên, con trai mẹ đang học đại học. Bà đến sở nông nghiệp làm ầm lên, giậm đất kêu trời, quỳ xuống trước mặt người ta”.
“Mẹ đã quỳ suốt như vậy cả ba ngày liền. Mẹ nghe người ta mách rằng, chỉ cần làm ầm lên sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ, mẹ cứ thế nghe theo. Mẹ nói, hãy cho tôi khoản tiền học phí của con trai tôi, tiền tôi sẽ trả cho các ông. Mẹ đã ghi giấy nợ hàng chục triệu đồng như thế! Về đến nhà, mẹ đổ cơn bệnh nặng, nhưng lại chỉ uống thuốc giảm đau mà gắng gượng cho đến lúc khỏi hẳn”.
Hai hàng nước mắt của tôi cứ theo hai gò má chạy vào tận trong miệng, vừa mặn vừa chát. Những chuyện này, bà trước nay chưa từng kể qua với tôi. Buông điện thoại xuống, tôi nện một cú thật mạnh vào đầu mình. Trần Thiên Bảo, lẽ nào ngươi thật sự đã không còn một chút tình người nữa hay sao?
Trong lúc tôi đang vội mặc áo khoác, Hồng Lệ hỏi tôi định đi đâu. Tôi nói tôi đi tìm lại lương tâm của mình, đơn ly hôn tôi đã đặt ở trên bàn rồi. Tôi kết hôn đã được 8 năm, mẹ chỉ đến có 4 lần.
Lần này, mẹ đến qua tết, bà nói: “Trong mơ cũng đều nhớ đến thằng nhóc con này”. Thằng nhóc con mà bà ấy nói đến là Bảo Lâm, nhưng mà Bảo Lâm ngay đến cả tay cũng đều không cho bà nội nắm.
Mẹ muốn ôm hôn cháu, Hồng Lệ lập tức kêu la om sòm, nói: “Miệng người là dơ dáy nhất, lỡ lây bệnh truyền nhiễm thì phải làm sao”. Mẹ nghe xong đứng ngây ra đó, nhìn nhìn tôi, lại nhìn đứa cháu, rồi nói: “Con trẻ thành phố chính là báu vật, cháu bà đây cũng là báu vật, thế cũng tốt!”.
Hồng Lệ đặc biệt chuẩn bị một cái chén riêng cho bà, những lúc ngồi ăn cơm, những món ăn mẹ gắp cho thằng nhóc cũng đều bị Hồng Lệ gắp ra để ở trên bàn. Mẹ ở trong nhà này có chút khó xử, giống như đứa trẻ đã làm sai chuyện gì vậy, lúc nào cũng cẩn thận dè dặt.
Hôm đó, tôi ở bên ngoài uống rượu về, Hồng Lệ khóc nói với tôi rằng mẹ pha nước cho con, khiến thằng bé bị phỏng. Tôi nghe xong không kiềm được cơn giận, đến trước mặt bà quát lên rằng: “Không phải con đã bảo mẹ đừng làm gì cả rồi sao?”
Mẹ đứng ở trước cửa, dáng người gầy gò lại thấp bé, một hồi lâu mới nói: “Thiên Bảo, mẹ thấy hay là mẹ về lại quê sẽ tốt hơn”. Lúc tôi tỉnh rượu, mẹ đã không có ở nhà nữa.
Trên ti vi phát sóng một bản tin: Trong đêm tối tuyết lớn, đường xá trơn trượt, có một bà lão không rõ họ tên bị xe đụng phải, được người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Tôi đưa mắt nhìn thấy cái túi hình tam giác màu đỏ nơi hiện trường xảy ra tai nạn, đó là cái túi mẹ đã dùng đựng hạt dẻ mang đến cho chúng tôi. Hồng Lệ nói: “Trần Thiên Bảo, nếu như anh đi nhận bà ấy thì hai chúng ta sẽ ly hôn”.
Tôi rất do dự, tài xế bỏ trốn có nghĩa là khoảng tiền viện phí khổng lồ đó sẽ phải tự mình chi trả. Tiền mua nhà đã đè nặng lên đôi vai khiến tôi thở không ra hơi, Bảo Lâm lại còn phải học đàn…
Tôi cho rằng tôi có thể che đậy lương tâm mặc cho bà ấy chết, rồi tiếp tục sống những ngày tháng của mình. Nhưng mà, những ngày tháng không còn lương tâm đó liệu có hạnh phúc được hay không? Để nuôi tôi khôn lớn, mẹ đã phải đánh đổi hy sinh hạnh phúc cả đời mình, mẹ có từng so đo những điều này với tôi hay không?
Một đời này của tôi chỉ có một người mẹ, so sánh với bà, thì những cái khác đều không quan trọng nữa. Tôi ngay trước bao con mắt nhìn chằm chằm của biết bao nhiêu người quỳ xuống trước mặt mẹ, nói rằng: “Mẹ, chúng ta về nhà thôi, về lại quê nhà ngày trước của chúng ta!”
Đôi bàn tay thô ráp của mẹ toàn là vết chai sần. Tóc của bà đều đã bạc trắng hết cả, tôi áp mặt của mình lên mặt của bà, đã bao nhiêu năm rồi, tôi chưa thể hiện tình thương của mình với bà…
Tôi khẽ kêu lên rằng: “Mẹ, con đến đưa mẹ về đây…” Từng giọt từng giọt nước mắt nhỏ ra từ nơi khóe mắt của mẹ. Bà đang chờ tôi, bà đang chờ tôi tìm lại lương tâm mà mình đã đánh mất trong cái đêm tuyết lớn lạnh giá đó…
Con người cả một đời gian lao nỗ lực, cả một đời tranh đấu ngược xuôi – rốt cuộc là vì điều gì? Có phải vì tiền tài chăng? Có phải vì quyền thế chăng? Hay vì chút hạnh phúc nhỏ nhoi nơi thị thành? Tất cả đều không phải.
Bởi tài sản lớn nhất của đời người không nằm ở những thứ xa hoa phù phiếm bên ngoài, mà chính là hai chữ: “Lương Tâm”. Điều gì cũng có thể mất đi, cho dù đó là tiền bạc, địa vị, vợ đẹp, con khôn, v.v…Nhưng lương tâm của một người thì không ai có thể đánh cắp được – ngoại trừ chính bản thân người đó.
Nho giáo giảng Nhân, giảng Nghĩa, cũng giảng Hiếu – con người có thể làm được hay không, chẳng phải cũng cần xuất phát từ lương tâm của mình đó sao? Do đó, lương tâm là cao quý vô ngần, là báu vật mà đời người nhất định nên gìn giữ.
Bởi lương tâm là vô giá nhường ấy, nên người con trong câu chuyện trên đây đã không màng đến mức viện phí khổng lồ, cũng không bận tâm trước cái nhìn chằm chằm của biết bao người chứng kiến, và cũng không lo sợ sự nghiệp sẽ tiêu tan – chỉ để mang lương tâm của mình quay trở về.
Và cho dù thật khó để sống bằng lương tâm trong xã hội bom chen này, thì hãy tin rằng, người giữ trọn vẹn được lương tâm là người giàu có nhất thế gian…
Nguồn: daikynguyen.