Không phủ nhận áp dụng những mẹo dân gian chữa bệnh cho trẻ rất hiệu quả, nhưng mẹ Việt cần thận trọng hơn khi áp dụng những phương pháp truyền miệng này.
Xưa nay có rất nhiều mẹo dân gian được nhiều người áp dụng để chữa bệnh cho trẻ rất hữu hiệu. Bên cạnh những lợi ích mang lại thực sự thì có rất nhiều mẹo thực ra không có cơ sở khoa học, không những giảm bớt bệnh cho con mà còn làm bệnh trầm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Dưới đây là 4 ‘mẹo dân gian’ chữa bệnh cho trẻ, mẹ Việt tuyệt đối phải tránh xa nếu không muốn mang lại sự nguy hiểm cho con mình:
Mới đây, vụ việc bé sơ sinh 20 ngày tuổi ở Mỹ Phú Đông (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) mất mạng sau khi được người nhà cho uống nước thằn lằn và thuốc tàu để chữa ho khiến nhiều người phải giật mình. Bởi lâu nay đây là mẹo chữa ho theo truyền miệng dân gian được nhiều người áp dụng vì cho rằng nó hiệu quả hoàn toàn không gây hại.
Cụ thể, thông tin từ người nhà em bé cho biết, trước đó, thấy em bé bị ho, khò khè nên gia đình đã bắt thằn lằn đốt lấy nước cho bé uống cùng với 2 loại thuốc tàu không rõ loại gì. Sau 1 ngày nằm viện, bụng bé 20 ngày tuổi càng chướng căng, tiêu ra máu.
Sau gần 1 tuần nằm viện điều trị tích cực, tình trạng không giảm, bệnh nhi rơi vào sốc, phải đặt nội khí quản, thở máy. Đến ngày 20/11, bé tử vong do bị viêm ruột hoại tử và nhiễm trùng máu.
Bác sĩ điều trị cho bé khuyến cáo, người dân sử dụng thuốc tàu là phương pháp dân gian chưa qua kiểm chứng, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh có thể gây liệt ruột, dẫn đến viêm ruột hoại tử hoặc nhiễm trùng máu, gây tử vong với tỷ lệ cao.
Tại bệnh viện thời gian qua, tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ tử vong do uống thuốc tàu. Trong thuốc tàu có một số thuốc gây nghiện hoặc gây giảm nhu động ruột, làm liệt ruột.
Nếu uống liều cao gây ngộ độc hô hấp, nặng có thể gây ngưng thở. Người dân nên đến bác sĩ chuyên khoa khám, kê đơn, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Trẻ sơ sinh thường có triệu chứng vặn mình và đỏ mặt khiến rất nhiều bà mẹ lo lắng. Không ít bà mẹ đã áp dụng các mẹo dân gian với mong muốn con khắc phục được tình trạng nói trên, trong đó có phương pháp chữa vặn mình bằng chanh và lòng trắng trứng. Tuy nhiên, đây là cách điều trị bằng mẹo dân gian hoàn toàn sai lầm.
Mới đây, một bà mẹ trẻ chia sẻ bài viết giới thiệu cách chữa chứng vặn mình cho trẻ sơ sinh được cho là “cực hiệu quả”. Cách làm đơn giản là lấy hỗn hợp này thoa lên khắp người bé để đánh lông đẹn. Sau khi lông đẹn nổi lên thì dùng bột mỳ xoa lên tiếp để lấy đi lông đẹn.
Những lời chia sẻ thuyết phục, cộng với hình ảnh một em bé lưng trần, nổi lông đen khắp người như tưởng tượng về lông đẹn khiến nhiều mẹ tin rằng đây là một phương pháp cực kỳ hữu hiệu và cần lưu lại để làm thử cho em bé nhà mình.
Thậm chí nhiều người còn cảm thấy nuối tiếc vì không biết đến cách này sớm hơn khiến con từng bị vặn mình, khó ngủ.
Tuy nhiên, bên cạnh hàng nghìn mẹ chia sẻ và coi đó như là một bí quyết bỏ túi cho mình, thì cũng có rất nhiều mẹ cảm thấy e ngại và nghi ngờ về độ xác thực cũng như căn cứ khoa học của phương pháp này.
Trao đổi về phương pháp chữa vặn mình bằng mẹo dân gian nói trên, Ths.BS Lê Minh Trác, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khẳng định: “Đây là một phương pháp phản khoa học, nhiều năm làm nghề, tôi chưa bao giờ nghe đến phương pháp này”.
Theo bác sĩ Trác, nếu các bà mẹ áp dụng theo phương pháp này thì rất nguy hiểm, bởi khi dùng hỗn hợp như chia sẻ trên mạng xã hội gồm nước cốt chanh, lòng trắng trứng gà và bột mỳ sẽ khiến trẻ bị nhiễm khuẩn, viêm và sưng tấy.
“Chứng vặn mình ở trẻ sơ sinh là hoàn toàn bình thường và không phải là do lông đẹn, mà đó là biểu hiện của việc thiếu canxi, còi xương. Cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa”, bác sĩ Trác nói thêm.
Việc chữa tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh bằng mật ong là kinh nghiệm dân gian được nhiều người biết đến và áp dụng từ lâu nay. Tuy nhiên, phương pháp điều trị tưa lưỡi này là hoàn toàn sai lầm.
Bác sĩ Hà Thị Loan, Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trong mật ong có nhiều độc tố botulium, tác động lên dây thần kinh cơ, gây liệt. Nếu ngộ độc nặng có thể tử vong.
Trẻ dưới một tuổi (đặc biệt dưới 6 tháng) có nguy cơ ngộ độc cao với độc tố này, do vậy không được cho bé dùng mật ong cũng như đánh tưa bằng mật ong.
Thấy con bị ngạt mũi, nhiều bà mẹ không muốn con uống thuốc kháng sinh vì lo sợ tác dụng phụ từ những loại thuốc này sẽ gây hại nên áp dụng các mẹo dân gian dùng nước tỏi nhỏ vào mũi bé để chữa cho con.
Đúng là trong tỏi có chứa chất allicin có thể diệt vi trùng và nấm. Nhiều tài liệu khoa học cho thấy tỏi có thể phòng ngừa cúm và điều trị cúm.
Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu nào đưa ra quy trình điều trị một cách khoa học và có liều lượng cụ thể.
Màng mũi trẻ vốn đã mỏng và nhạy cảm, bị nước tỏi, cay nóng xâm nhập vào dễ khiến trẻ bị kích ứng mạnh, bỏng rộp niêm mạc mũi, không điều trị kịp thời sẽ có khả năng bị nhiễm trùng, thậm chí là hoại tử da.
Nguồn baoquangninh.com.vn
Vui lòng chọn ngày sinh(*)
Vui lòng chọn giới tính(*)
Vui lòng nhập nhập chiều cao(*)
Vui lòng chọn nhập cân nặng(*)