_Con gái và mẹ_
Hôm qua, sau khi đọc bài post của một người khá nổi tiếng, úp mở về trường hợp mấy sinh viên được trợ giúp tài chính, đã hoặc sắp vào Havard, về sự long lanh quá khứ và nghi ngờ “long lanh đã tắt” của các cháu, tôi chợt giật mình cùng với cảm giác đau nhói trong tim.
Giật mình: vì tại sao người lớn chúng ta có thể “vô cảm” đến vậy. Không ai là toàn diện, cũng chẳng ai có thể “long lanh” mãi mãi. Các cháu vào được Havard, phải là niềm tự hào to lớn của gia đình, bạn bè, và xã hội. Việc cùng nhau chia sẻ, phân tích các nhân tố giúp cho cháu trưởng thành, đặc biệt là cách nuôi dạy và chăm sóc của gia đình, là điều có ích cho xã hội biết bao.
Dù không phải ai cũng có điều kiện và đủ kiến thức cũng như sự quyết tâm và kiên trì để đồng hành cùng con, nhưng ít nhất, chỉ riêng việc làm cho xã hội nhận biết về sự quan trọng của giáo dục gia đình – để dần dần thổi bạt đi tư tưởng “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” – đã là một sự thành công.
Các cháu đã đạt thành tích cao, nhưng chắc chắn sẽ gặp nhiều sự không ngờ, khi bước vào môi trường mới, với biết bao khó khăn và thử thách. Mười mấy năm học ở Việt nam, các cháu bơi trong ao làng, khi sang đó, là bắt đầu tập bơi trên biển lớn. Nếu ai đó nói là: các cháu không gặp khó khăn gì, luôn long lanh tỏa sáng – thì điều đó khó là sự thật.
Nhưng nếu ai đó lợi dụng những khó khăn, hoặc tệ hơn, mong chờ các khó khăn đó sẽ đánh gục các cháu, rồi đưa ra mập mờ bêu riếu trên công luận – thì đó lại là sự dã man, thường xuất phát từ lòng đố kị, sự ghen tức, mà ta hay nói giỡn với nhau là GATO. Chính điều đó làm tôi thấy đau lòng.
Nếu là tôi: khi tình cờ biết cháu nào đó gặp khó khăn (thông tin có thể từ bạn bè cháu bàn tán), tôi sẽ liên lạc với bố mẹ các cháu (nếu có thể). Tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách trong khả năng của mình, để giúp các cháu long lanh trở lại.
Người lớn, là việc của người lớn. Các cháu mới vào đời, luôn cần sự động viên, chia sẻ, hỗ trợ không chỉ của bố mẹ, bạn bè, gia đình, mà phải là của toàn xã hội. Đó là lòng tốt, sự vị tha, sự hướng thiện – niềm mong ước để xã hội này ngày một tốt đẹp hơn. Con gái tôi có thể kém nhiều bạn khác, nhưng tôi thực lòng mong ước có nhiều học sinh Việt Nam giỏi hơn con gái tôi – trong tôi hình như có quá ít sự đố kị. Và tôi cũng từng tận dụng mọi cơ hội để nuôi dạy con gái vượt lên trên bản thân, thoát khỏi những cái độ kị, ghen tức đời thường.
Từ trước đến nay, tôi vẫn có một nỗi ân hận: tôi chưa đủ sức dạy con gái tiếng Việt, để con có thể nói và viết tiếng Việt hay như dùng tiếng Anh. Nhưng đến chiều qua, tôi lại đau đớn tự nhủ mình: “ Có lẽ đó lại là cái may, vì nếu giỏi tiếng Việt, con sẽ bị đau đến mức nào, nếu chẳng may sau này phải đọc những bài post tương tự”. Nhưng tôi vẫn lo lắng, nỗi lo tận đáy lòng người mẹ. Vì vậy, tối qua, tôi có câu chuyện dài với con. Tôi trao đổi với con rằng:
“Con gái ạ, con đã qua cái tuổi ấu thơ, tuổi mà con học ở đâu, nhà trường phải có trách nhiệm bảo vệ cho con, kể cả về các ảnh hưởng tâm lý từ người thứ ba. Chỉ sau gần một tháng nữa, con bước vào đại học, con sẽ phải tự mình đương đầu với mọi thử thách. Con phải biết và cần chuẩn bị: sẽ có thể có ai đó vì ghen tức với mẹ, hoặc với con – rồi dèm pha, thậm chí chứi bới những gì mẹ con mình chia sẻ cho công đồng.
Mẹ không cần sự nổi tiếng, vì riêng sự nổi tiếng không đem lại bất cứ điều gì tốt đẹp cho con người. Sự nổi tiếng chỉ và sẽ cực kỳ có ích, khi người ta nổi tiếng vì có kiến thức, vì biết chia sẻ những điều tốt đẹp – với khát khao mọi người – và chính bản thân mình được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn. Vì vậy: ai ghen tức, con hãy ngẩng cao đầu bước qua, không cần để ý đến họ. Nếu ai hay chơi xấu – tốt nhất là đừng dính với họ nữa”.
Mừng quá, con gái nghe cực kỳ chăm chú, rồi phán mấy câu làm mẹ “xanh rờn”: “Mẹ ơi, con biết rồi mà. Mẹ không nhớ là mẹ con mình đã bàn nhau, rồi con làm gì hồi con mới vào lớp 7, bị một bạn Hongkong ghen tức và nói xấu suốt ngày sao?”.
Vậy thì yên tâm quá rồi. Nhiều lúc đồng hành cùng con, con còn nhớ, mà mẹ thì quên mất tiêu. Có lẽ con gái nghĩ là mẹ lẩm cẩm rồi.
Chợt nghĩ lan man: cũng vì còn kém tiếng Việt, mà nói trước công chúng thì cần trôi chảy, nên sáng mai con phải chia sẻ bằng tiếng Anh trong buổi giới thiệu sách, và nhờ cậy chú Hải dịch. Mẹ con tôi xin lỗi mọi người trước.
Vậy đó, hãy cư xử với nhau bằng lòng vị tha và sự nâng đỡ đúng lúc, đúng chỗ. Hãy dẹp bớt những đố kị, hằn học, ghen tức – để chính mình có thể sống vui vẻ, hạnh phúc, và chắc chắn là dễ thành công hơn.
_ST_
Vui lòng chọn ngày sinh(*)
Vui lòng chọn giới tính(*)
Vui lòng nhập nhập chiều cao(*)
Vui lòng chọn nhập cân nặng(*)