Cuộc sống luôn có những quy luật riêng, dù bạn có chấp nhận nó hay không thì những quy luật đó cũng không bao giờ thay đổi.
Mỗi người chúng ta, ai cũng có những giới hạn, mà ta không bao giờ muốn chấp nhận…
Có những việc xảy ra xung quanh, ta không thể làm gì để thay đổi hoặc kiểm soát được nó, nhưng ta vẫn cứ loay hoay tìm kiếm mọi cách để không chịu chấp nhận là ta đành phải bó tay..
Khi những người thân có những hành động xấu, ta biết rõ bản chất của sự việc, nhưng ta cứ cố né tránh nói ra sự thật, chỉ vì sợ người khác nghĩ là ta “nói xấu” người thân. Và vì tất cả đều im lặng, đều né tránh, cái xấu cứ ầm ầm phát triển, trong từng gia đình và ngoài xã hội…
Lỗi tại ai đây?
Khi tôi post những bài chia sẻ về chăm sóc sức khỏe, nhiều bạn đặt câu hỏi: “Chị nói phải ăn nhiều rau sống và trái cây, nhưng báo chí nói cái gì cũng nhiễm hóa chất độc hại, nên em không dám ăn cái gì, vậy làm thế nào hả chỉ?”. Tôi ngẫm nghĩ và không biết trả lời ra sao. Nếu vì sợ nước bẩn và ô nhiễm, ta không dám uống nước – thì chỉ sau 2 ngày, ta chết ngóm, phải đem chôn thật sự. Còn những người chấp nhận sự thật, buộc phải uống để tồn tại – thì họ sống lâu hơn. Cách xử lý tốt nhất là ta có thể tìm hiểu để cố gắng khắc phục ở mức cao nhất (tức là xem có cách nào lọc bớt cái ô nhiễm của nước đi không?).
Nếu hàng ngày xem thông tin và báo chí, cứ thấy cái gì có nguy cơ ô nhiễm, ta không dùng nữa, thì hậu quả sẽ là: ta sẽ bị nhiễm bệnh trước, vì thiếu dinh dưỡng. Chị gái tôi không uống rượu, không bao giờ ngửi khói thuốc, ăn uống cực kỳ giữ gìn và cẩn thận, kiêng rất nhiều thứ. Rồi khi đột nhiên phát hiện chị bị ung thư, không chỉ trong gia đình, mà tất cả ai biết chị đều bật ngửa vì quá sốc và ngạc nhiên. Lúc đó, tôi cũng không hiểu. Nhưng sau mấy năm “đánh vật” với tài liệu và các thông tin về căn bệnh ung thư – thì tôi hiểu. Chị tôi bị thiếu chất nghiêm trọng, và bị căng thẳng vì lúc nào cũng lo lắng về bệnh tật. Chính những cái đó đã giết chị.
Tôi học được một bài học từ sự mất mát của người thân trong gia đình: nếu không thể kiểm soát được, thì hãy cố gắng chấp nhận một cách thoải mái và vui vẻ. Nếu không thể có phương án tốt nhất, hãy tìm ra một phương án ít xấu nhất cho mình.
Ví dụ: thay vì cảm giác “ăn cái gì cũng sợ”, thì tôi tìm cách khắc phục tối đa trong khả năng của mình: tôi rửa thật kỹ, rồi ngâm dấm 20 phút – và tôi ăn một cách ngon lành, không để cho cảm giác lo sợ ám ảnh. Tôi chỉ kiêng những thứ mà tôi biết rõ là ăn có hại cho sức khỏe như: thịt đỏ, các loại dầu được coi là độc hại. Toàn bộ rau và trái cây, tôi ăn chẳng chừa thứ nào. Và tôi thấy mình ngày càng khỏe mạnh, vui vẻ, thoải mái về tâm lý
Tôi có những người bạn, mà cuộc sống của họ cực kỳ căng thẳng, và họ làm cho những người sống xung quanh cũng phải căng thẳng theo, chỉ vì họ cầu toàn quá, muốn cái gì cũng phải tuyệt đối và 100% đúng như mình muốn. Cuộc sống vốn trớ trêu – nếu bạn cứ thích kiểm soát mọi thứ – thì chính là bạn đang để cho những thứ đó kiểm soát và chi phối cuộc sống của bạn. Vậy thì ta nên tập chấp nhận cuộc sống vốn như nó có, không quá cầu toàn, cái gì quan trọng thì ưu tiên, ít quan trọng thì nhiều lúc nên bỏ qua hoặc quên nó đi.
Mình chỉ có thể lựa chọn những gì hiện hữu, và nằm trong tầm với. Nếu ta cứ vẩn vơ suy nghĩ, rồi ước mong những điều viển vông quá, thì chính ta đang làm khổ bản thân và gia đình đấy. Hãy nhìn và suy ngẫm:
– Tai sao các ông bố bà mẹ ở ta, hầu như chẳng ai hài lòng về con cái mình? Nhiều người suốt ngày so sánh và than thở, quy cho con cái tội chưa cố gắng hết sức, mải chơi…Họ không chấp nhận một sự thật là: con cái họ có những giới hạn mà chúng không thể vượt qua, và lý do chính là cách nuôi dạy con từ khi còn bé. Rất ít bố mẹ dám nhìn thẳng vào sự thật để mà chấp nhận rằng: Con tôi là như vậy, tôi chấp nhận nó như chính bản thân nó, và yêu thương nó vì đơn giản – nó là con tôi.
– Nếu thấy ai đó xung quanh hành xử không đúng, hãy nói rõ là bạn không tán thành cách hành xử đó, nêu lý do cụ thể. Đừng cố tỏ ra “vị tha, rộng lượng” hoặc sợ hãi mà im lặng bỏ qua. Sự im lặng chấp nhận chỉ làm cho những tính xấu ngày càng phát triển. Hãy nói ra, và nếu họ không chấp nhận điều bạn nói, hãy tự lựa chọn là bạn có cần hoặc nên gần gũi với họ nữa không, cái được và mất trong quyết định của bạn là gì.
Chấp nhận: không có nghĩa là đầu hàng. Sự chấp nhận đúng mực và hợp lý, xuất phát từ thực tế cuộc sống, có tính toán kỹ càng những tác động lên tâm lý của bản thân mình và những người liên quan – sẽ giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống. Và một khi đã lựa chọn và chấp nhận – hãy cố gắng sống vui vẻ và thoải mái, không tự dày vò bản thân vì sự lựa chọn của mình – dù cho có bất cứ điều gì xảy ra. Khi có biến động lớn, bạn có thể lại buộc phải đặt tất cả lên bàn cân – để mà chấp nhận một lựa chọn khác.
Nếu bạn đang sống với một người chồng hoặc vợ, và không thấy hạnh phúc – hãy đưa ra các phương án có thể có, và tính toán hậu quả của từng phương án. Bất cứ phương án nào cũng có mặt hay, mặt dở. Vì vậy: việc liệt kê đầy đủ từng chi tiết của cái hay và cái dở, rồi đánh giá một cách tỉnh táo từng mặt của vấn đề -sẽ giúp bạn có lựa chọn sáng suốt nhất.
Bạn nên nhớ một nguyên tắc: nếu không thể có lựa chọn tốt nhất – thì phương án ít xấu nhất chính là lựa chọn tốt nhất đấy.
Nguồn sưu tầm
Vui lòng chọn ngày sinh(*)
Vui lòng chọn giới tính(*)
Vui lòng nhập nhập chiều cao(*)
Vui lòng chọn nhập cân nặng(*)