Với sự tiến bộ của khoa học hiện đại, nhiều gia đình ngày nay đã có Ipad (máy tính bảng). So với máy điện toán nó tiện lợi hơn nhiều, lại nhanh, vừa tay cầm, mỏng, gọn và nhẹ. Chúng ta lại không cần qua vật trung gian là con chuột (mouse) và bàn phím (key board) mà dùng ngón tay chạm thẳng vào màn hình. Có thể gọi Ipad là một phát minh kỳ diệu. Tuy nhiên, cái lợi, hại, hậu quả xấu hay tốt chưa được xác định hay nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng ta nên cẩn trọng hơn trong việc cho trẻ em sử dụng chúng.
Ben Worthen trong bài viết “Ipad Dilemna” đã thuật lại chuyện cho con ông ta, em bé 2 tuổi rưỡi, chơi Ipad trong một chuyến bay dài. Khi ông bước xuống máy bay ông ngạc nhiên rằng cậu bé đã im lặng một cách ngoan ngoãn không làm phiền ai trong suốt 5 tiếng đồng hồ. Cậu sử dụng Ipad để chơi games, vẽ hình và xem các chương trình TV. Quả thật Ipad đã là một người vú em xuất sắc. Ông mua chiếc Ipad này và bỏ vào đó những trò chơi đố chữ kiểu đố vui để học. Ông nhận thấy con ông giỏi từ vựng, có nhiều kiến thức hơn và rất hứng thú trong trò chơi chữ nghĩa.
Tuy nhiên, vợ chồng ông nhận ra vài điều khác lạ. Bé không còn để ý đến gì khác ngoài chiếc Ipad. Hai má bé đỏ ửng và bé phớt lờ không để ý đến tiếng gọi tên mình. Chúng tôi đùa rằng óc của nó đã chạy ra khỏi đôi tai rồi.
Dường như Ipad đã trở thành vật chí thân của em. Mỗi buổi sáng khi vừa mở mắt dậy em đã đòi có nó cho bằng được nhưng chúng tôi đã hạn chế giờ sử dụng. Em chỉ được phép dùng nửa giờ trước khi ăn tối. Tuy nhiên sự cấm đoán không có hiệu quả.
Tôi bắt đầu tìm hỏi ý kiến những bậc phụ huynh có con chơi Ipad. Một số người cho biết chỉ thấy điểm lợi của nó nghĩa là các em học hỏi được nhiều điều, lại thích thú vì những trò chơi và không có vấn đề gì cả. Một người nhận ra con mình trở nên hung hăng hơn nên ông ta không cho con chơi nữa.
Tôi theo lời ông ta khuyên và ngưng không cho con sử dụng Ipad. Tôi không có ý thuyết phục mọi người rằng ngưng dùng Ipad là giải pháp tốt vì đây chỉ là ý kiến cá nhân. Để đi tới quyết định này, tôi đã hỏi ý kiến của hơn 20 bác sĩ nhi khoa, bác sĩ thần kinh, bác sĩ tâm lý và các chuyện gia trong việc trẻ em dùng Ipad.
Hơn một nửa con số trẻ em ngày nay ở Mỹ dùng Ipad, Iphone, hay các thiết bị điện tử có màn hình cảm ứng (touch-screen). Thời đại những đứa bé ngồi sát màn ảnh TV hàng giờ hay chơi những trò chơi cùng gia đình đã qua rồi. Hình ảnh những em bé ngồi trước một chiếc Ipad dùng những ngón tay xinh xinh bé tí chạm lia lịa vào màn hình rất thông dụng ngày nay.
Nhiều nhà nghiên cứu hy vọng những việc sử dụng thiết bị này giúp trẻ em học hỏi thêm. Một khảo cứu của the Joan Ganz Cooney Center ở Sesame Workshop cho thấy trẻ em vào độ tuổi 4 tới 7 có tiến bộ trong việc gia tăng ngữ vựng khi làm các cuộc thử nghiệm. Mười ba em 5 tuổi tăng 27%. Một khảo cứu khác tiết lộ với trẻ 3 tuổi tăng 17%.
Ngược lại một số bác sĩ thần kinh trẻ em và các nhà nghiên cứu về hiệu quả của việc sử dụng màn ảnh hiệu ứng lại cho rằng Ipad là một vị hung thần của con trẻ.
Dimitri Christakist, Giám đốc trung tâm phát triển sức khoẻ và cách cư xử của trẻ em tại bệnh viện nhi đồng Seattle, Hoa kỳ cho biết ” Hiện nay có rất ít các cuộc khảo cứu về sự tương tác giữa trẻ em và thiết bị điện tử này”. Bất hạnh thay, chỉ có các bậc cha mẹ mới có thể trực tiếp thử nghiệm các khảo cứu này với con của mình mà thôi. Có một ít các phụ huynh chịu khó ngồi chơi chung với các em, theo dõi và ghi nhận hiệu quả giáo dục của Ipad đối với trẻ như thế nào. Những người khác thì không làm vậy. Số phụ huynh sử dụng Ipad như một phương sách để dỗ dành cho trẻ nín khóc, cho chúng tiêu khiển trong thời gian dài ngồi xe hay trên máy bay thì nhiều hơn. Trong những lúc bận rộn, chiều con, hay cần chúng im lặng khỏi la hét, quấy rầy mình, có những phụ huynh đã cho con dùng Ipad. Bên Việt Nam, Ipad còn được dùng như một món đồ chơi hữu hiệu khiến trẻ ngồi yên chỗ cho cha mẹ đút cơm, khỏi chạy rong. Các em vừa ăn, vừa chơi trò hoạt hình chán thì có thể chuyển sang trò tô màu hoặc chơi game, tập hát hay học tiếng Anh trong Smartkids (từ điển Việt Anh có hình ảnh và âm thanh, giới thiệu về các loại hoa quả, bảng chữ cái, con vật…), Talking Friends v..v…
Có người còn đánh giá sự thông minh của trẻ qua việc sử dụng Ipad hay Iphone. Do đó họ khuyến khích trẻ dùng Ipad vì nghĩ rằng việc tiếp cận thành thạo các kỹ thuật tân tiến, chúng sẽ học hỏi được nhiều và thông minh hơn.
Việc trẻ nhỏ vì mê chơi Ipad quá độ đã khiến các bậc cha mẹ bắt đầu lo lắng đến thị lực của các em. Một trong những điều hiển nhiên có thể thấy được là các em trở nên bớt năng động và kém giao tiếp. Ngồi một chỗ, ít chạy nhảy, đi ngược lại bản tính thông thường, các em sẽ bị bệnh béo phì. Tuy nhiên chuyện gì xảy ra trong óc những đứa bé khi chúng chơi Ipad vẫn còn là điều bí mật.
Trong quá trình tăng trưởng của con người, từ lúc mới sinh cho tới khi trẻ 3 tuổi, óc phát triển nhanh nhất và chậm lại sau đó. Căn cứ trên một khảo cứu bằng sự quan sát, Bác sĩ Christakis nói rằng “Nếu để trẻ em xem TV quá nhiều trong thời gian tăng trưởng này, sau này óc chúng sẽ gặp trở ngại trong sự chú ý”. Ông chưa làm một khảo cứu nào về hậu quả của việc trẻ nhỏ xem Ipad quá độ. Tuy nhiên ông nghi ngờ hậu quả của nó cũng tương tợ như xem TV vì màn ảnh TV và màn ảnh Ipad giống nhau mà màn ảnh Ipad lại còn nhỏ hơn. Ông thêm “Ưu điểm của Ipad là tạo ra sự tương tác giữa con người và máy móc, nhưng đó cũng có thể là nhược điểm của nó”.
Đây là một vài ý kiến của các phụ huynh đã có kinh nghiệm khi giáo dục con bằng Ipad
Lark viết:
Ipad đã làm các con tôi gần như khùng với nó, sau khi chúng chơi khoảng 30 phút, chúng trở nên cáu kỉnh, gắt gỏng và khó chịu với tất cả những gì xung quanh chúng, thật khác hẳn với hành động coi TV cũng sau 30 phút. Không phải chỉ vợ chồng chúng tôi nhận thấy điều này, mà cha mẹ chúng tôi và nhiều bậc phụ huynh khác cũng thấy thế. Và cuối cùng chúng tôi cấm các con chơi các trò chơi trên Ipad.
SWVA Mon cho ý kiến
Con tôi có Ipad khi vừa 4 tuổi, em dùng nó thường xuyên, hầu như mỗi cuối tuần, khi ngồi xe hay máy bay. Em chơi game và xem các chương trình TV trên Ipad nữa. Có các trò chơi dạy em toán và đánh vần mà các cuốn sách không dạy được như thế. Tôi thấy có những trò chơi thực dụng thật giá trị như trò giúp các em chơi trộn bột, nặn bông để làm bánh, hay các món tráng miệng mà các bạn không sợ nhà bếp bị dơ hay bừa bãi lung tung vì các em đổ tháo.
Phần lớn các ý kiến đều cho rằng điều quan trọng chúng ta cần lưu ý là cho các em chơi gì, học gì từ Ipad. Cha mẹ phải thường xuyên kiểm soát thời gian các em chơi và chỉ cho phép dùng trong giới hạn.
Cũng như giáo dục trẻ bằng Ipad, Iphone cũng vậy. Đừng cho các em chơi khuya, luôn kiểm soát và trông chừng vì chỉ cần một lúc lơ đãng, có những đứa bé đã tình cờ hay cố ý lang thang qua các website có hình ảnh khiêu dâm mà cha mẹ không hay biết.
Các thiết bị điện tử ngày nay rất thông dụng và được ưa thích. Chúng ta không thể chối bỏ được tiện ích mà chúng mang lại trong việc giáo dục hay tiêu khiển cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta nên xem chúng chỉ như những công cụ tiếp sức hay bổ sung phần nào cho việc giáo dục mà thôi. Sự dạy dỗ và gần gũi của cha mẹ với con cái vẫn là chính. Đừng vì bận rộn mà bỏ quên việc giáo huấn các em các kỹ năng sống, cách giao tiếp với các thành viên trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Để dành thời gian đưa các em tham dự các sinh hoạt ngoài trời, tiếp xúc với thiên nhiên và rèn luyện thể lực. Có cân bằng được giữa đời sống thật và ảo cũng như tâm, sinh lý thì các em mới sống khoẻ và gia đình của các em mới thật sự hạnh phúc.
Theo Trịnh Thanh Thủy/chimvie3
Vui lòng chọn ngày sinh(*)
Vui lòng chọn giới tính(*)
Vui lòng nhập nhập chiều cao(*)
Vui lòng chọn nhập cân nặng(*)