3 bước dạy trẻ an toàn với hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Bước 1:
Ngay từ 2 tuổi rưỡi, cha mẹ nên bắt đầu dạy trẻ về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, về những phần thân thể riêng tư, không ai được đụng vào.
Việc dạy này cứ từ từ mưa dần thấm đất. Việc dạy này không phải tạo cho trẻ áp lực hay cho những lời thái quá để làm trẻ sợ mà nhớ, đơn giản dạy trẻ về ngôn ngữ, cách nói lên những phần “riêng tư” đó, để khi trẻ bị lạm dụng vào những phần đó, trẻ biết kể chính xác về vị trí đó.
Hoặc ai đó (dù người lạ/quen) chạm vào những chỗ đó, thì trẻ có thể hiểu đó là xâm hại tình dục trẻ em và trẻ biết cách nói “Không, con không thích bác chạm vào…, phần này của con mà”.
Hãy dạy trẻ cách phản ứng “KHÔNG”, nói lớn điều này khi ai đó làm chuyện không hay, dù đó là đang đùa giỡn. Về luật bảo vệ quyền trẻ con, việc đùa giỡn trên các phần riêng tư của trẻ là không được cho phép.
Việc nói lớn “KHÔNG” cũng giúp cha mẹ/người lớn xung quanh có thể hiểu tình huống để bảo vệ bé ở bước 2. Việc dạy bé nói lớn “KHÔNG” như 1 phản xạ ai đó làm xấu với bé, cũng giúp bé không mang nỗi lo lắng 1 mình, cũng giúp bé tránh bị đe dọa hoặc dụ dỗ bởi người đang lạm dụng đó.
Việc nói lớn “KHÔNG” cũng làm kẻ lạm dụng ngại và ngừng hành động của hắn. Hơn nữa, đừng luôn dạy bé cảnh giác với người lạ/người ngoài vì làm bé chỉ nghĩ người lạ mới cần lên tiếng “KHÔNG”. Trên thực tế, hành vi xâm hại tình dục trẻ em của người quen phổ biến hơn người lạ. Cha mẹ nên dạy bé rằng việc đụng chạm vào phần riêng tư là không nên cho tất cả mọi người, dù là người quen biết với bé.
Cha mẹ cũng nên dạy bé rằng: Chỉ trong trường hợp bé đi khám bệnh, Bác sĩ/chuyên gia y tế có thể chạm bé nhưng đó là để thăm khám bé, và luôn có ba mẹ bên cạnh.
Tất cả chúng ta nên có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ con, nên giúp trẻ lên tiếng và tôn trọng điều trẻ đang nói. Phản ứng kịp thời của mỗi chúng ta sẽ giúp trẻ sống an toàn hơn. Do đó, khi nghe trẻ nói lớn “Không”, đừng dửng dưng và phải có thái độ giúp trẻ phản đối dù người đó là người thân của bé. Sự phản đối và gây áp lực của các bạn sẽ giúp trẻ an toàn và làm kẻ lạm dụng đó không còn “suy nghĩ dâm ô”, cho lần khác.
Bước 2:
Sau khi bé nói lớn “KHÔNG” ở trên. Bạn dạy bé cách bỏ chạy về phía 1 người lớn khác.
Bước 3:
Dạy trẻ kể chính xác ai đó chạm vào vị trí nào. Việc dạy cách nói chính xác vùng riêng tư của trẻ sẽ giúp trẻ kể chính xác.
Cần lưu ý, khi nghe, bạn không tỏ thái độ thái quá, bực tức, hãy luôn giữ bình tĩnh, lắng nghe hết câu chuyện. Bạn chỉ nên khuyên bé là: “Con của mẹ làm đúng, thân thể là của con, những phần riêng tư của con không ai chạm vào, lần sau con hãy làm như vậy nếu có ai đó chạm vào nhé!”
Bạn đừng kể cho bé là bạn sẽ xử lý tình huống ra sao, đặc biệt đối với các bé < 7 tuổi vì có thể làm bé sợ. Bạn sẽ tự xử lý tình huống đó, và cùng sự giúp đỡ của những người khác, của cộng động và chính quyền. Nhưng, đừng kể cách bạn xử lý ra sao cho bé, chỉ cần cho bé biết “Việc làm bé đúng, cần phát huy”.
3 bước trên rất cần thiết cho các bé nhỏ, đặc biệt dưới 7 tuổi vì lúc này việc dạy bé ý thức về những phần riêng tư của bé là rất thuận lợi. Hơn nữa, trẻ hiểu về riêng tư và không chạm sẽ giúp trẻ dễ hiểu hơn cách xử lý khi trẻ lớn hơn.
L.H (Nguồn: The National Child Traumatic Stress Network (2016) Child Sexual Abuse Fact Sheet – for parents, teachers and other caregivers)
Nguồn: giadinhvietnam