Sống trong cùng một mái nhà nên có nhiều lúc bạn sẽ khó ứng xử khi mẹ và vợ muốn “tố cáo” nhau. Nếu bạn bênh mẹ thì vợ sẽ giận, còn bênh vợ thì mẹ sẽ nghĩ bạn bất hiếu. Làm sao có thể hóa giải được mâu thuẫn giữa khi mỗi người có một quan điểm? Thách thức này không chỉ dành riêng cho mẹ chồng- nàng dâu mà còn cho cả chính bạn – người chồng, người con trong gia đình.
Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn làm cầu nối, dung hòa quan hệ vốn hay bị định kiến là như nước và lửa giữa mẹ chồng – nàng dâu:
Lắng nghe cả hai bên
Đây là điều rất cần thiết. Cho dù mẹ và vợ đang có mâu thuẫn lớn tới đâu đi chăng nữa thì họ cũng rất cần một ai đó để trút bầu tâm sự, để nghe họ nói.
Việc bạn lắng nghe ít nhất sẽ giúp cho họ giải tỏa được bức xúc tạm thời và bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn khi nghe cả hai phía. Lắng nghe là điều cần thiết nhưng không nên khuyến khích họ nói xấu hay bới móc cả những vấn đề từ xa xưa để đưa ra kể lể.
Đưa ra các ý kiến trung lập
Bạn là người trưởng thành và hiểu được tình hình, vì vậy hãy cân nhắc kỹ xem liệu mình có nên can thiệp hay để họ tự giải quyết với nhau. Nếu bạn tham gia, hãy nhớ là phải có đủ sự bình tĩnh và xem xét vấn đề thực sự khách quan.
Đồng thời nên đưa ra các ý kiến trung lập tránh bênh vực bên nào. Chẳng hạn bạn có thể nói: “Con/anh thấy hai bên nói mỗi người đều có đúng, sai nhưng theo ý con/anh, mình có thể làm thế này…”.
Ngoài ra, bạn hãy xem xét tình hình để thuyết phục cả hai có cái nhìn tích cực về nhau, không nên sử dụng từ ngữ quá tiêu cực với người kia. Nếu bạn nói với vợ rằng: “Em cũng quá đáng vừa thôi” hoặc bảo với mẹ là “Mẹ chẳng độ lượng chút nào” thì thậm chí bạn còn châm ngòi nổ cho một mâu thuẫn nữa đấy.
Tìm cách khơi gợi những điều tốt đẹp hay những tình cảm của cả hai để giúp mẹ và vợ bình tĩnh hơn, tránh xảy ra những xung đột thêm là điều cần thiết.
Giữ vững vai trò là người thứ ba
Lúc mẹ và vợ cãi nhau hay có mâu thuẫn thì chẳng ai tự nhận mình sai mà thường đổ lỗi cho người kia. Nhiều khi họ muốn có bạn không hẳn là hy vọng bạn sẽ giúp họ cải thiện tình hình mà nhiều khi họ chỉ muốn xem bạn đang đứng về phía ai mà thôi. Do đó bạn cần nhận thức rõ vai trò của mình để làm người “hòa giải” cho thích hợp.
Chờ thời điểm thích hợp để nói chuyện
Bạn không nên can thiệp khi một trong hai người vẫn còn đang nóng giận. Hãy đợi họ bình tĩnh lại và ngồi nói chuyện riêng với từng người, khi nào cả hai cùng hiểu ra thì mới nói chuyện giữa cả ba với nhau.
Nếu cần thiết, hãy thay người này để nói tốt về người kia bởi rõ ràng không ai kiểm chứng lại lời bạn sẽ nói, điều đó sẽ làm dịu đi những căng thẳng và giúp bạn dễ dàng nói chuyện với bên kia.
Kiên nhẫn
Đừng vội vàng hy vọng mình sẽ giải quyết được mâu thuẫn vì nó cần thời gian và sự kiên nhẫn của bạn. Những vấn đề mâu thuẫn thường tích tụ lâu mới bùng phát, do đó, bạn cũng cần thời gian tương tự để hóa giải. Đừng vội nản lòng khi thấy mình đã rất cố gắng nhưng mọi chuyện không thay đổi là bao nhiêu.
Tìm kiếm “đồng minh”
Nếu bạn khó khăn trong việc giải quyết vấn đề này một mình, hãy tìm những đồng minh tin cậy để giúp bạn có những lời khuyên sáng suốt hoặc chính họ sẽ cùng “xắn tay áo”tìm ra giải pháp.
Đồng minh ở đây bao gồm bố hoặc anh chị em, họ hàng hay ai đó bạn thấy tin tưởng. Kể cả việc tìm lời khuyên từ những người đã có trải nghiệm này cũng giúp bạn rút ra được các bài học kinh nghiệm cho bản thân.
Ngoài ra bạn có thể hướng mẹ và vợ sang sự quan tâm khác, ví dụ họ luôn có tâm lý hết lòng bảo vệ gia đình nhỏ của mình hoặc là những đứa trẻ trong gia đình… Như vậy họ sẽ dễ hóa giải mâu thuẫn với nhau hơn.
Nhắc họ hiểu về vai trò của bạn
Hãy giúp họ hiểu rằng: Mẹ là người sinh ra bạn, còn vợ là người phụ nữ đồng hành bên cạnh cả cuộc đời, do đó cả hai đều quan trọng như nhau. Bạn cần làm sao để hai người phụ nữ của mình hiểu rằng, họ đừng bao giờ bắt bạn phải lựa chọn hay so sánh giữa bên nào.
Họ cũng cần biết, khi hai người đang mâu thuẫn thì bạn cũng sẽ vô cùng mệt mỏi vì phải đứng ở bên “cuộc chiến “ này. Vì thế, nếu họ dành tình yêu thương cho bạn thì ít nhất họ cũng phải dành sự tôn trọng cho nhau để không khí gia đình bớt căng thẳng.
Nhà tâm lý Hà Linh
Vui lòng chọn ngày bắt đầu(*)
Vui lòng chọn chu kỳ(*)