Trẻ bị bắt nạt, trêu chọc bạn phải làm gì?
Phần 1:
Theo Peggy Moss, một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về bắt nạt và trêu chọc: “những vết thương và hậu quả của việc bị bắt nạt và trêu chọc, không được can thiệp kịp thời, có thể gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả cuộc đời của trẻ. Việc gọi những cái tên theo kiểu chế giễu, trêu chọc nhau, có phải là sự bình thường của tuổi đang lớn mà trẻ nào cũng phải trải qua?”
Trước đây, nhiều người lớn nghĩ rằng, chúng ta có đang “dở hơi” khi “làm ầm lên” về việc trẻ bắt nạt và trêu chọc nhau, rằng hãy để cho trẻ chơi và bắt nạt nhau, hãy nên biết rằng – tôi đã nói chuyện với những người già 80 tuổi, và họ còn nhớ như in tên của người bắt nạt họ ở trường, và tên của người đã bảo vệ họ, từ năm lớp 1. Vết thương do bị bắt nạt kéo dài nhiều khi suốt cuộc đời. Hiện nay, chúng ta đã có đủ thông tin về tác hại của việc trẻ bị bắt nạt, trêu chọc, vậy tại sao ta không hành động?”.
Đó là sự thật: không biết năm 80 tuổi thì thế nào, chứ cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ tên của 3 đứa con trai thường xuyên bắt nạt và trêu chọc tôi, khi tôi học lớp 2 đến lớp 4. Tôi có về nói với bố, nhưng cũng vì quan niệm về việc trẻ trêu chọc nhau là bình thường, bố tôi đã bỏ qua. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác sợ hãi, sự ám ảnh (thậm chí thường xuyên nằm mơ như ác mộng), mỗi khi nghĩ đến việc giáp mặt ba đứa con trai kia.
Trước tiên: làm sao để nhận biết là trẻ bị bắt nạt, trêu chọc? Hầu hết con cái không nói với bạn là ở trường chúng bị bắt nạt, trêu chọc, bị đặt những cái tên châm biếm. Thường thì trẻ từ chối đến trường theo kiểu: “mẹ ơi, hôm nay con không muốn đi học”. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, kể cả khi con bạn kêu đau đầu, đưa ra các lý do để không phải đi học – bạn hãy nghĩ đến việc con bị bắt nạt hoặc trêu chọc. Cũng để ý khi trẻ hay tự làm đau mình.
Đối với con trai, một hiện tượng phổ biến là chúng bị bạn bè gọi là “gay – lưỡng tính”, đến nỗi chúng sợ không dám đi vào nhà vệ sinh ở trường. Những trẻ bị bắt nạt, trêu chọc thường nhịn đi tiểu và đại tiện, gây ra những vấn đề lớn và lâu dài về đường ruột cho trẻ. Bố mẹ hãy quan sát, nếu thấy ngày nào khi đi học về, con vội vàng chạy ngay vào nhà vệ sinh, thì nên kiểm tra xem con có bị bạn bè trêu chọc là “gay” không. Hãy quan sát mọi dấu hiệu, để sớm phát hiện trẻ bị bắt nạt, trêu chọc, kể cả ở trường và ở nhà. Nếu kéo dài, có thể gây ra những hậu quả rất lớn với trẻ.
Nếu bạn may mắn: trẻ sẽ tự nói với bạn là trẻ bị bắt nạt, trêu chọc, bạn phải làm gì? Hãy im lặng lắng nghe để con bạn nói hết về điều đó, tuyệt đối không đặt câu hỏi, kiểu như: “Con có làm gì để bạn có cớ trêu chọc không?” Đừng có nghĩ rằng con bạn có lỗi, làm điều gì đó để bạn bè bắt nạt. Đơn giản là có trẻ nào đó thích bắt nạt và trêu chọc con bạn. Hãy nghe một cách chăm chú và thông cảm, đừng cố gắng để giải quyết bất cứ cái gì ngay lập tức. Hãy chia sẻ với con về tâm trạng và cảm giác của con, nhưng tuyệt đối tránh nói bất cứ cái gì xấu về đứa trẻ bắt nạt con bạn.
Không nói những câu như: “Bạn đó hư hỏng, vô giáo dục”, vì bạn chỉ mới biết một phần của bức tranh. Vì vậy, hãy nghe và tìm hiểu càng nhiều càng tốt thông tin về những đứa trẻ bắt nạt con bạn. Con bạn chưa cần bạn phải có hành động gì, mà cần bạn nghe, thông cảm và chia sẻ những cảm xúc của chúng đã. Sau khi nắm toàn bộ sự việc (để làm được điều này, bạn cần sự kiên trì, để hỏi các chi tiết, nhưng chưa vội nhận xét), bạn suy nghĩ để đưa ra kế hoạch hành động. Nếu bạn nổi xung lên, hoặc đến trường ngay để “dằn mặt” đứa trẻ bắt nạt con mình, thì từ giờ phút đó, con bạn sẽ không hé môi kể gì với bạn nữa – hãy nhớ điều đó.
Vậy thì làm gì? Hãy thảo luận và bàn bạc, để chính con bạn đưa ra những ý tưởng giải quyết vấn đề. Hỏi các câu hỏi gợi ý, ví dụ: “Thế con nghĩ là lần sau, nếu bạn trêu chọc, con sẽ nói gì? Con nghĩ phải làm gì để giải quyết tình thế?”. Hãy giúp con nhận thức được rằng: để chấm dứt việc trẻ bị bắt nạt, trêu chọc, thì con cần hành động, và chỉ có chính con mới có thể giải quyết vấn đề.
Ví dụ, con bạn có thể đưa ra ý tưởng là lần sau, con sẽ nói một cách cương quyết: “hãy để cho tôi yên”, và bỏ đi chỗ khác, thì bạn nên gợi ý tiếp: “Con nghĩ cái gì sẽ xảy ra, sau khi con nói vậy”. Bạn cũng có thể nêu ra trường hợp “khi trẻ bắt nạt dấn tới và trêu chọc nhiều hơn, thì con làm gì?” Con bạn có thể nghĩ ra cách là bỏ đi, không nói thêm gì nữa.
Bạn cũng có thể gợi ý là con nên bỏ đi lần đầu, và nếu nó tiếp diễn thì nên làm gì. Bạn cũng phải thật sự thông cảm là với con bạn, để chống chọi lại với sự bắt nạt và trêu chọc là không hề dễ. Nhớ là hãy hỏi con: “Vậy cái gì sẽ làm cho con thấy dễ chịu hơn trong tình huống này?”. Điều rất quan trọng là hãy làm cho con hiểu rằng con đang là người giải quyết vấn đề của con, chứ không phải bạn.
Với phương pháp nuôi dạy con này, con bạn sẽ học được rất nhiều điều về kỹ năng suy nghĩ về nguyên nhân và hậu quả, cách giải quyết vấn đề – là những kỹ năng quan trọng nhất trong tương lai. Điều tối quan trọng là con bạn biết là bạn thông cảm, và chúng có nơi để chia sẻ tâm trạng.
Tôi nhắc lại: điều quan trọng nhất là làm sao để con nói với bạn về điều đó, để bạn có cơ hội bàn bạc và giúp con giải quyết. Đó cũng có thể là cách biến kẻ bắt nạt thành bạn bè, bằng phương pháp hãy tổ chức để rủ một số bạn của con cùng đến nhà chơi, làm món ăn gì chúng thích, tạo cơ hội cho chúng hiểu và thân thiết với hơn.
Xem phần 2 tại đây.
Vui lòng chọn ngày sinh(*)
Vui lòng chọn giới tính(*)
Vui lòng nhập nhập chiều cao(*)
Vui lòng chọn nhập cân nặng(*)